Theo đó, ông H.C.K, 59 tuổi, người Đài Loan (Trung Quốc) đang trên đường đi du lịch Đà Nẵng cùng gia đình. Khi máy bay vừa hạ cánh, trong lúc lấy hành lý, ông H.C.K đột ngột yếu tay, chân trái, nói ngọng.
Ông H.C.K được đưa thẳng từ sân bay Đà Nẵng đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Gia Đình. Sau khi bác sỹ thăm khám nhận định, đây là tình huống đột quỵ não cấp, bệnh viện đã kích hoạt mã “cấp cứu đột quỵ cấp”. Kết quả MRI sọ não của bệnh nhân cho thấy, hình ảnh nhồi máu não diện rộng ở bán cầu não phải, tắc động mạch não giữa phải đoạn M1.
Ông K được chuyển tới phòng DSA - can thiệp mạch máu. Tại đây, ekip bác sỹ đơn vị Đột quỵ - Can thiệp mạch máu thực hiện can thiệp hút huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học cho bệnh nhân. Các bác sỹ tiến hành luồn dụng cụ chuyên biệt từ động mạch đùi của bệnh nhân lên mạch máu não bị tắc, hút huyết khối và tái thông động mạch não bị tắc chỉ trong vòng 20 phút. Động mạch não bị tắc được tái thông vào giờ thứ 4 từ khi khởi phát triệu chứng. Ngay sau đó, bệnh nhân có thể nói rõ tiếng, sức cơ tay, chân trái hồi phục hoàn toàn, tri giác tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Thạc sỹ, bác sỹ Bùi Ngọc Anh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Đột quỵ, Bệnh viện Gia Đình khuyến cáo, với những người có dự định đi du lịch, đặc biệt vào thời điểm giao mùa khi thời tiết có sự thay đổi cần chú ý tránh bị đột quỵ. Thời tiết quá lạnh khiến các mạch máu co lại làm huyết áp tăng lên, ngoài ra máu có xu hướng đặc lại, dễ đông hơn, dễ hình thành cục máu đông.
Đặc biệt, thời tiết thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng cũng có thể khiến cơ thể sốc nhiệt, giãn mạch máu não đột ngột, bong mảng xơ vữa trong lòng mạch trôi theo dòng máu làm tắc những mạch máu não ở xa, gây đột quỵ nhồi máu não. Vì vậy, người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tăng cholesterol trong máu… cần đặc biệt chú ý khi đi du lịch xa trong thời tiết thất thường.
Theo bác sỹ Bùi Ngọc Anh, khi nhận thấy người thân có các triệu chứng yếu tay, chân một bên, méo miệng, nói ngọng, không nên cạo gió, chích máu đầu ngón tay hay chờ bệnh nhân ổn rồi mới gọi cấp cứu. Hãy nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí kịp thời, tận dụng thời gian vàng (3 - 4,5 giờ) của cấp cứu đột quỵ, tăng cơ hội hồi phục, giảm những di chứng nặng nề cho bệnh nhân.