Hàng loạt vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra, tố tụng, xét xử từ việc xác định cách tính lãi, tiền trả nợ thành tiền lãi, bị cáo không có mặt tại hiện trường nhưng lại có ghi lời khai và ký tên vào biên bản quả tang.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn, khi vụ án còn chưa được đưa ra xét xử hoặc đình chỉ thì điều tra viên đã mở niêm phong trao trả lại vật chứng (tiền, và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) liên quan đến vụ án cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Thậm chí là để làm thủ tục sang tên sổ đỏ cho người khác.
Điều tra viên viết “nhầm” quyết định xử lý vật chứng
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa phải đưa ra chứng cứ và đối đáp đến cùng các vấn đề với người bào chữa.
Theo khoản 1 Điều 106 Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử”. Theo quyết định xử lý vật chứng trả cho ông Núm số tiền 138.666.700 đồng. Vụ án kết thúc ở cơ quan nào thì cơ quan đó xử lý vật chứng.
Quyết định số 18 ngày 20/7/2020 của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Đức về xử lý vật chứng: “Trả cho ông Sầm Văn Núm 138.666.700 đồng”. Trong khi vụ án không bị đình chỉ ở giai đoạn điều tra nhưng lại trả cho ông Núm số tiền trên là trái luật.
Thậm chí, việc tính toán số tiền trả cho ông Núm còn không đúng nên mới có chuyện ngày 06/9/2021, ông Y Visa nộp số tiền 623.000 đồng vào Kho bạc Nhà nước thay cho ông Núm (Bút lục 353 – Trang 621) với nội dung “Ông Núm nộp trả tiền trong vụ cho vay lãi nặng”.
Luật sư Hoan tiếp tục đưa ra câu hỏi, vì sao ngày 12/6/2021, cơ quan điều tra trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sầm Công Ích (con ông Núm, người đứng tên trên sổ đỏ) nhưng trước đó, ngày 27/5/2020 các ông Hiếu, ông Núm, ông Ích và một số người khác đã ra văn phòng công chứng để làm thủ tục sang tên cho người khác trên vật chứng này? Nội dung công chứng sang tên này cũng được anh Hiếu xác nhận tại bút lục 802, anh Nghiêm Xuân Trịnh tại bút lục 812.
Vụ án đến nay chưa kết thúc nhưng ngày 20/7/2020 cơ quan Cảnh sát điều tra đã trả tang vật. Tại phiên tòa, vợ chồng ông Núm, bà Xin khai không được nhận số tiền này. Như vậy, việc trả tang vật cho ông Núm khi chưa kết thúc vụ án là trái với khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngày 06/9/2021, một người tên Y Visa đi nộp lại số tiền 623.000 đồng. Vậy số tiền này là gì? Y Visa là ai? Tại sao lại đi nộp thay cho ông Núm?
Luật sư Hoan đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ có quyết định xử lý vật chứng hay không? Vì quá trình sao chụp hồ sơ không có? Phần xét hỏi tại phiên tòa, điều tra viên trả lời do viết nhầm nhưng quyết định xử lý vật chứng có nhầm hay không thì Điều tra viên không trả lời?
Tiền tang vật … “phát sinh” 623.000 đồng (?!)
Các luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Viện Kiểm sát tranh luận vấn đề chưa được làm rõ. Tại sao cùng một thời điểm mà Điều tra viên vừa tổ chức khám nghiệm hiện trường, vừa bắt quả tang? Quy kết số tiền 300.000.000 đồng nhưng tổng số tiền lại là 300.623.000 đồng? Tại trang 03 của cáo trạng số 31 và số 12 của Viện Kiểm sát có nêu trong tổng số 161.956.164 đồng có 110.000.000 đồng tiền gốc và 51.956.164 đồng tiền lãi?
Đối với việc nộp lại số tiền 623.000 đồng thì cách tính như thế nào để ra số tiền trả lại? Ông Núm tự nguyện đi nộp nhưng hồ sơ không thể hiện việc giao tiền nhờ người khác đi nộp mà chỉ có biên bản ông Y Visa đi nộp. Liên quan đến việc chuyển nhượng vào ngày 27/5/2020, việc tố cáo của ông Ích là cá nhân, còn trong vụ án này có hay không việc vi phạm tố tụng liên quan đến việc xử lý vật chứng?
Bị cáo Võ Văn Thiệt. |
Các luật sư đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức giải thích, căn cứ vào đâu để trả cho ông Núm số tiền 138.043.700 đồng, trong khi xác định số tiền thu lợi bất chính là 248.043.836 đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp, đối với số tiền 623.000 đồng do quá trình xử lý vật chứng, cơ quan Cảnh sát điều tra tính toán bị dư (thừa). Tổng số tiền xử lý vật chứng: 300.000.000 đồng – 161.956.164 đồng (tịch thu sung quỹ) = 138.043.836 đồng. Số tiền trả ông Núm là 138.043.700 đồng là làm tròn.
Đối với việc xử lý vật chứng, đã có biên bản giao nhận được thể hiện trong vụ án và lúc trả không có mặt kiểm sát viên. Căn cứ trả cho ông Núm số tiền 138.043.700 đồng theo các văn bản hướng dẫn của quy định của pháp luật và đây cũng là quan điểm đề nghị của Viện Kiểm sát. Đối với số tiền 623.000 đồng ông Núm đến cơ quan điều tra khắc phục là có thật và đã nộp khắc phục.
Đại diện Viện Kiểm sát thừa nhận vi phạm tố tụng, sai sót về số quyết định nhưng nội dung vẫn là áp dụng đối với bị cáo Tuyết. Việc trả hồ sơ là do quá trình điều tra vẫn còn các tình tiết chưa được làm rõ. Căn cứ Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc trả hồ sơ là đúng quy định. Việc bắt tạm giam lần 2 đối với bị cáo Thiệt là đúng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự. Viện kiểm sát đã phê chuẩn và chịu trách nhiệm theo quy định.
Đại diện Viện Kiểm sát bác bỏ việc làm sai lệch hồ sơ vụ án và khẳng định không có căn cứ. Nếu điều tra viên nào có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án thì có quyền làm đơn tố cáo.
Số tiền 623.000 đồng là số tiền xử lý vật chứng trả cho ông Núm bị dư, bản chất vẫn chỉ trong tổng số tiền 300.000.000 đồng. Cáo trạng số 31 ngày 31/12/2021 và Cáo trạng số 12 ngày 23/02/2022, xử lý vật chứng tổng chung là 300.000.000 đồng là tiền lãi của số tiền 110.000.000 đồng. Quyết định truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự, đại diện Viện Kiểm sát chỉ đề nghị còn Hội đồng xét xử mới có quyền cao nhất quyết định.
Ngày 27/5/2020, vật chứng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được sang nhượng nhưng ngày 12/6/2020 mới trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã có quyết định xử lý vật chứng số 16 ngày 12/6/2020. Vấn đề này có sai sót nhưng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Cơ quan tố tụng vi phạm tố tụng, tiến hành hoạt động điều tra trái luật. Việc trả hồ sơ trái luật theo Điều 277, Điều 280, không ban hành kết luận điều tra bổ sung và có khiếu nại. Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát quá trình điều tra bổ sung vẫn giữ nguyên quan điểm. Theo Điều 06 Thông tư liên tịch số 02 thì vi phạm tố tụng nhưng không làm ảnh hưởng nội dung vụ án thì không trả hồ sơ. Việc bắt tạm giam trái pháp luật; dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án; việc bắt quả tang không có căn cứ pháp luật.
Đối với việc bắt quả tang do tình hình cho vay lãi nặng là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, hành vi phạm tội đang diễn ra nên việc thực hiện bắt quả tang là đúng theo Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hành vi phạm tội và hiện trường cùng một nơi nên Điều tra viên tiến hành song song là phù hợp, đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật.
Ngày 05/9, người nhà bị cáo Võ Văn Thiệt thông tin, bị cáo Thiệt đã chấp hành xong bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức và đã về nhà. Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 14/9 sắp tới tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông.
Mời độc giả đón xem bài 3: Tiền mất, án mang!