Tham dự lễ kỷ niệm tổ chức ngày 15/1 có Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Thụy Điển, bà Margot Wallstrom; Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Thụy Điển Åsa Lindestam; Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Lotta Johnsson Fornarve; nhiều nghị sĩ, chính trị gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, bạn bè Thụy Điển và quốc tế có quan hệ thân thiết với Việt Nam, cùng đại diện bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Vương quốc Thụy Điển.
Đây là sự kiện quan trọng, mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm trong năm 2019 tại Thụy Điển.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển, bà Đoàn Thị Phương Dung, đánh giá cao mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Thụy Điển trong 50 năm qua, đồng thời cảm ơn những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây và công cuộc phát triển đất nước hiện nay.
Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung một lần nữa nhấn mạnh cách đây 50 năm, Thụy Điển là nước Tây Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lại càng có giá trị và mang ý nghĩa to lớn hơn trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đang trong giai đoạn vô cùng ác liệt.
Cũng trong phát biểu của mình, Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung khẳng định quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong 5 thập kỷ qua thể hiện sinh động mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống gắn bó giữa nhân dân hai nước.
Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung cũng bày tỏ mong muốn quan hệ song phương sẽ không ngừng được củng cố và tăng cường vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hai nước hiện đã chuyển từ giai đoạn hợp tác phát triển sang giai đoạn đối tác bình đẳng cùng có lợi, trọng tâm hợp tác đang hướng vào thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ và du lịch.
Theo Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung, trong năm 2019, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển sẽ triển khai nhiều hoạt động để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, trong đó có tuần lễ phim, triển lãm ảnh... nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa của Việt Nam tới bạn bè Thụy Điển cùng một số hoạt động thúc đẩy đầu tư, thương mại hai nước.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng thời khẳng định Chính phủ Thụy Điển luôn coi trọng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, là đối tác tin cậy và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ chào mừng tại lễ kỷ niệm. |
Bộ trưởng Margot Wallstrom tin tưởng rằng tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc sẽ càng được củng cố và tăng cường mạnh mẽ, quan hệ hợp tác nhiều mặt và giao lưu nhân dân hai nước sẽ ngày càng mở rộng.
Bên cạnh đó, về hợp tác kinh tế, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và chưa được khai thác. Thụy Điển hiện có khoảng 50 công ty đang hoạt động tại Việt Nam trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia như Ericsson, Tetra Pak, Ikea và Electrolux... Một số lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác gồm giao thông đô thị, y tế, công nghệ, giáo dục...
Bộ trưởng Margot Wallstrom cũng hy vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Thụy Điển đầu tư tại Việt Nam, từ đó có thể thúc đẩy và tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Cũng trong lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, các khách mời tham dự đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam do các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc quân đội Việt Nam biểu diễn. Các tiết mục đã mang đến ấn tượng tốt cho khán giả, đặc biệt trong đó có một bài hát nổi tiếng của ban nhạc ABBA được các nghệ sĩ Việt Nam kết hợp phối khí bằng nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.
Trong 50 năm qua, Thụy Điển đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 3,4 tỷ USD thông qua cơ quan viện trợ SIDA với nhiều công trình biểu tượng như Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh), Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ); các dự án trồng rừng, cải cách hành chính về luật và thuế, như dự án hỗ trợ tư pháp... góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như thành công của Đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thụy Điển đạt trên 1,4 tỷ USD, Thụy Điển xếp thứ 34/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam đã đón khoảng 50.000 du khách Thụy Điển cho thấy dư địa mở rộng hợp tác giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng.