Kỳ 1: Trần Lập – Phiêu lãng tìm “chất liệu” dựng xây Bức Tường
Nói tới Trần Lập người ta nghĩ ngay tới những bản nhạc rock mạnh mẽ và đầy triết lý sâu sắc. Nghe về Trần Lập người ta hình dung ngay một vị thủ lĩnh của ban nhạc Bức Tường là một “bức tường” trong “ngôi nhà” rock Việt. Họ “chạm” anh ở những tác phẩm bất hủ trên một sân khấu đầy ánh sáng và âm thanh. Tôi lại “chạm” anh trên những cung đường – cung đường tìm “chất liệu” dựng xây nên Bức Tường huyền thoại.
Nhạc sỹ Trần Lập chọn đi để trải nghiệm và bồi đắp cảm xúc, tâm hồn. |
Tôi có nhớ một câu nói khá hay đậm phong cách lãng tử, có phần hơi “ngông” của anh: “Có chất là có tất”. Chất của vị nhạc sỹ cá tính được tôi luyện qua năm tháng tuổi trẻ. Được kinh qua những ngày khó khăn cùng niềm đam mê rock gai góc và sâu lắng. Được nghe thấy trong hàng loạt tác phẩm thấm đẫm sự trải nghiệm. Được tìm thấy trên mỗi cung đường mà anh đi qua.
Anh chia sẻ với tôi sự thú vị được đi, được đồng hành cùng “con ngựa sắt” mạnh mẽ của mình. Chiếc xe phân khối lớn đưa nhạc sỹ của “Khám phá”, “Đêm”, “Cơn mưa hoang dã” … rong ruổi khắp mọi miền đất nước.
"Chiến mã" đưa Trần Lập rong ruổi khắp mọi miền đất nước. |
Tôi được nghe ban nhạc Bức Tường của anh từ những năm 1998 khi suy nghĩ non nớt chưa kịp định hình cho một lối sống. Rồi qua những show rock lớn nhỏ, tại các trường Đại học đến live show xuyên Việt, tour Rock storm hay những chuyến lưu diễn quốc tế. Ở đâu cũng vậy, chàng ca sỹ gốc Nam Định cũng như rút ruột từng ca từ, câu chữ. Tôi thắc mắc về sự súc tích, lắng đọng ca từ, về nhiệt huyết hừng hực bất cứ khi nào thì nhận được câu trả lời của anh là “Những chuyến đi dài”.
Từ album đầu tay “Tâm hồn của đá” năm 2002 tới “Đất Việt” 2014 là những bước chuyển mình mạnh mẽ của “Khoảnh khắc giao thời” 1998. Lúc nào cũng vậy khi nói về Trần Lập, nói về Bức Tường tôi cứ bị trượt dài theo mảng ký ức mâu thuẫn: quen thuộc mà lạ lẫm.
"Những chuyến đi dài" cóp nhặt những viên gạch nhỏ ... |
Khoan hãy nói những thành quả của Bức Tường, phong cách có phần “khác biệt” của chàng ca sỹ nhạc rock, thú vui nhiếp ảnh hay bóng đá của ông bố mẫu mực hai con. Tôi muốn đi tìm, tìm cái cách anh lãng du trên những cung đường trải nghiệm để chắt chiu “vốn sống ta mang về nhà”. Để thổi hồn cho những tác phẩm của mình, Trần Lập chọn đi. Những chuyến đi ngoài sự bồi đắp, thăng hoa cảm xúc còn là “dữ liệu” quý giá để hình thành nên “đứa con tinh thần” của mình. Là những viên gạch nhỏ tạo Bức Tường lớn ngày hôm nay.
... dựng xây nên "Bức Tường" huyền thoại. |
Khi bánh xe lãng du của nhạc sỹ Trần Lập rong ruổi trên những cung đường Tây Bắc hùng vĩ. Chính vẻ đẹp thuần khiết của cánh hoa ban gắn liền câu chuyện tình buồn của chàng Khum – nàng Ban tạo cảm xúc cho nhạc phẩm: “Hoa Ban trắng”. Chiếc khăn Piêu thủy chung, tiếng chim rừng da diết bên vách đá cheo leo, rừng hoa Ban trắng là những chi tiết đặc sắc được anh khắc họa thành tình ca trong chuyến đi xúc cảm.
Dân yêu xe, yêu những cung đường, thích khám phá Tây Bắc chẳng thể nào quên được cảm giác hoang hoải, chênh chao đến nao lòng. Trên những khúc cua hiểm trở, cheo leo, trong một không gian mà tiếng chim gọi bầy, tiếng khèn, tiếng hát hòa thành một bản nhạc núi rừng. Để rồi vòng quay bánh xe mang người nghệ sỹ trở về miền xuôi, mang theo luôn cả âm hưởng rừng núi, cả sự quyến luyến, chơi vơi. Một “viên gạch” nữa đắp xây vào “Bức Tường” là ca khúc “Men say”: ..Đường đèo vẫn chênh vênh. Cheo leo cũng sẽ quen dần thôi. Nao nao mùi hương rừng dắt lối ….
Trần Lập với những bước chân không mỏi mệt mỗi cung đường ... |
Những chuyến đi thực tế, chứng kiến mảnh đời, số phận éo le, nghịch cảnh khiến sự thương cảm ngập tràn trong con người nghệ sỹ gai góc và cá tính. Để rồi: “Cô gái mù” cất cao tiếng hát mong chờ một “Niềm tin cho cát bụi”, một phép lạ “Cho bước chân em đi”. Đây là những “viên gạch” mang đậm dấu ấn nhân văn. Nó là điểm trung chuyển cho tiếng nói của những con người bất hạnh, những số phận không may mắn trong xã hội.
Trên những cung đường ấy, hành trình ấy không tránh khỏi mệt mỏi, đôi lúc nản chí cho bước chân đi tìm giá trị cuộc sống. Thế nhưng, sự quyết đoán cùng một niềm tin mãnh liệt cho con đường đã chọn làm nên một “Bức Tường” vững chãi. Nó mạnh mẽ vượt qua “Rock xuyên màn đêm”, mặc dù có “Mỏi” nhưng vẫn tin tưởng sẽ có một “Ngày khác”. Và quả thực nhờ ý chí đó, trải nghiệm đó, chặng đường đó đã và đang trên “Đường đến ngày vinh quang”.
... để rồi bùng nổ trên sân khấu như một cách dâng hiến. |
Những “viên gạch” tình yêu nơi Bức Tường không chỉ là sự chắt chiu chữ “Tình” trên những cung đường của Trần Lập mà còn là sự tinh tế bị hóa mềm trong tột cùng xúc cảm. Đó là “Bông hồng thủy tinh” lãng mạn hiến dâng cho “Mắt đen” đam mê. Là “Giọt đắng” trong cơn mê “Nếu em hiểu” …
Mỗi bước chân của lãng tử Trần Lập trên khắp nẻo đường đều ghi lại dấu ấn bằng những “ngôn ngữ cao cấp của lời nói” – là âm nhạc. Từ tư liệu cuộc sống, sự nhạy cảm của người nhạc sỹ cùng một “vực sâu tâm hồn” đã kết tinh nên thành lời ca, tiếng hát. Nó là giá trị cao cả của mỗi chuyến đi như anh đã từng tâm sự.
Khi tôi viết những dòng chữ này, Trần Lập vẫn đang mải miết trên “Những chuyến đi dài” trên mảnh “Đất Việt”. Với Trần Lập đi để trải nghiệm, để tìm hiểu. Đi để cảm nhận thiên nhiên, con người, phong tục tập quán khác lạ. Đi để tìm “chất liệu sống” cho những tác phẩm để đời. Để trong mênh mang cảm xúc của người nghệ sỹ nói lên tiếng nói của một hoặc nhiều số phận. Để ghép miếng vá tự tình cho những câu chuyện chưa hồi kết. Để vượt qua thử thách trong bão giông, được sống với đam mê, với hoài bão, với chính mình.