Làm lại cuộc đời từ những nụ cười bình yên ngoài xe thùng

(Ngày Nay) - “Những lần bị công an bắt, nhốt, chờ xe thùng đến đưa vào trung tâm cai nghiện, tôi rất hay nhìn ra ngoài đường, ngắm mọi người qua lại với nụ cười sảng khoái, nhẹ nhõm. Tôi thấy cuộc sống phía ngoài xe thùng tươi vui lắm, tôi ước có một lần được cười thoải mái như họ, bấy lâu nay, tôi chỉ quanh quẩn với thuốc phiện, tiếp khách và đếm tiền…” – S. sinh năm 1978, một phụ nữ từng có quá khứ hành nghề mại dâm gần 20 năm chia sẻ. 
Ước mơ giản dị được cười nhẹ nhõm như mọi người ngoài xe thùng đã giúp S cai nghiện thành công và thay đổi công việc
Ước mơ giản dị được cười nhẹ nhõm như mọi người ngoài xe thùng đã giúp S cai nghiện thành công và thay đổi công việc

Ngượng ngùng học nói “cảm ơn”

Văn hóa dừng lại ở phông kiến thức lớp 4, sinh ra trong một gia đình nghèo miền núi, thiếu thốn tình cảm gia đình vì bố mẹ ly hôn sớm, mẹ để 3 chị em lại cho họ hàng đi kiếm tiền, rồi vào tù, S không có cơ hội được nuôi dưỡng trong một mái ấm gia đình. Vừa bước vào tuổi dậy thì, S đã bị người ta dụ dỗ bán cho đủ nhà hàng chứa gái mại dâm từ Trung Quốc xuôi về Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh…

Cả tuổi thanh xuân quẩn quanh với những căn phòng nhỏ đèn mờ “tiếp khách”, đếm tiền, hút ma túy… đến khi số tuổi chạm ngưỡng 40, S mới có cơ hội sống một cuộc đời “bình thường”: được tham gia mạng lưới hỗ trợ người bán dâm Việt Nam, được lĩnh lương và được tiếp cận những kiến thức thiết thực, ý nghĩa.

“Ngày xưa chẳng bao giờ tôi mơ sẽ có ngày vào khách sạn dự hội thảo. Lần đầu được mời dự hội thảo tôi căng thẳng lắm, mặc cảm, xấu hổ, tự ti… vì nghĩ ai cũng biết mình bán dâm, ngại vì mình không có quần áo đẹp, lôi thôi, xấu xí lắm. Đi một mình là tôi không dám vào, chỉ đến khi có người khác đi cùng, tôi mới tự tin bước. Lần đầu sợ sệt, lần sau bớt ngại, lần sau nữa bình tĩnh hơn, rồi cứ thế tôi tham gia các sự kiện một cách… bình thường”.

Hồi mới tham gia mạng lưới hỗ trợ các nhóm tự lực của người bán dâm Việt Nam, đi ăn uống với mọi người, S ngại lắm, chẳng ăn gì, mà cũng không biết ăn sao cho đúng cách. S kể: “Một lần đi ăn bún với một thành viên trong mạng lưới, thấy có cái ghế băng dài, tôi hồn nhiên cho hẳn hai chân lên ghế với dáng ngồi xổm, chị ấy nhìn tôi chằm chặp như người trên giời rơi xuống, dù chị ấy không nói gì, nhưng tôi tự thấy xấu hổ khủng khiếp.

Rồi một lần đi ăn cùng các chị trong Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), thấy một chị trả tiền xong nhẹ nhàng nói “cảm ơn” với người bán hàng, tôi  ngạc nhiên nghĩ “Eo, sao bà này hâm thế?”, tại từ bé đến lớn tôi chưa cảm ơn ai bao giờ, cũng chưa được ai dạy cách bộc lộ tình cảm hay thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói… Nhưng rồi dần dần, tôi nhận ra đó là phép lịch sự cần phải học. Lần đầu nói “cảm ơn” tôi ngượng lắm, nói xong thấy xấu hổ và có cảm giác rất giả tạo… Vậy mà rồi cũng thành thói quen mới. Ngày xưa, tôi nói chuyện điện thoại như hổ vồ, cứ oang oang cả phòng, rồi khi gặp gỡ, tiếp xúc với các chị các bạn nhiều, thấy mọi người nói chuyện nhỏ nhẹ mà vẫn rõ ràng, tôi giật mình nhận ra lâu nay mình đã quá bất lịch sự”.

Từ một phụ nữ vô cảm, không biết động lòng trước nỗi bất hạnh của người khác, giờ S đã biết thương những số phận khốn khó hơn mình. Từ một người hiếu thắng, nóng nảy, dễ cãi nhau, văng tục trên đường, S đã nền tính hơn, nữ tính hơn. Từ một người chai sạn cảm xúc, lạnh lùng và cực kỳ ít khóc, giờ S đã thành người đàn bà nhạy cảm, khóc nhiều hơn, chia sẻ và cảm thông nhiều hơn. Từ một người khô khan, ít bộc lộ tình cảm, giờ S đã có thể hỏi han người khác lúc ốm đau, mua món này thức nọ cho họ bồi bổ…

Bồi hồi nhất là từ một người vạ vật sống cảnh “ngủ ngày, làm đêm”, giờ S được tham gia công tác xã hội, được lĩnh lương hàng tháng, được đi tập huấn, công tác nhiều địa phương. “Lần đầu đi công tác đến Cần Thơ, được đi máy bay, tôi thức trắng đêm vì căng thẳng. Lâu nay chưa từng nhìn thấy máy bay ngoài đời, chỉ nhìn trên ti vi thôi, nghĩ đến chuyện lên máy bay cảm giác rất sợ, không biết ăn mặc thế nào cho lịch sự. Rồi khi thấy người cùng đoàn mặc quần soóc áo phông, tôi thấy sao lạ thế, tự hỏi mọi ngày chị ấy bận đồ lịch sự lắm, đi máy bay sao lại tuềnh toàng vậy. Tôi mon men hỏi chị, chị bảo ra sân bay cứ ăn mặc thoải mái nhất là được. Lúc đó mới hay, đi máy bay cũng giống đi ô tô...”

Quá khứ trong túp lều nứa và phận “làm gái” lênh đênh

Nhìn S của ngày hôm nay chững chạc phát biểu trong hội thảo trước hàng trăm người không cần bản thảo, thấy S cười sảng khoái như chị từng ao ước, ít ai hình dung nổi góc khuất tăm tối mà S phải vượt qua trong quá khứ.

S sinh ra ở miền núi, nhà có 3 chị em, S là con cả, bố mẹ đều làm nông, 3 chị em đẻ liền, mỗi người cách nhau 1 tuổi. “Năm tôi lên 5, bố mẹ sống ly thân, 3 chị em ở với mẹ, mẹ làm ruộng, không có thu nhập để nuôi con. Mẹ đưa chúng tôi ra Hà Nội, mẹ chạy chợ, còn 3 chị em tôi bán bánh mì. Hồi ấy nghèo khổ không có nhà, mẹ đi gom nứa và túi nilon, dựng “nhà” ở chân đê sồng Hồng. Chúng tôi sống bên nhau trong túp lều xiêu vẹo, mùa mưa đến là nhà tốc mái, nilon bay tứ tung” - S nhớ lại.

Thấy cuộc sống ở Hà Nội quá bấp bênh, mẹ đưa 3 chị em S về quê. Nhưng không ai được ở với mẹ, mẹ bươn trải một mình, còn S - chị cả ở với dì, cô em gái S ở với con bà bác, cậu em trai ở với cậu. Khi S 12-13 tuổi, mẹ S lại đón các con về ở chung một nhà. Thời gian đoàn tụ ngắn chẳng tày gang thì mẹ tôi bị bắt. “Chúng tôi không hề biết mẹ bị bắt vì chuyện gì, chỉ thấy công an đến xanh rợp nhà, khám xét, rồi sau đó mẹ bị xử 17 năm tù. Khi ấy tôi tròn 13”.

Nhà mất nóc, ba chị em chẳng biết làm gì để sống, nhịn đói mấy ngày liền. Hàng xóm thương tình người cho bát cơm, người cho cái bánh… Thế rồi, trong bờ vực đói nghèo, S được một bà chị cùng làng rỉ tai giới thiệu cho một công việc nhàn hạ, hứa hẹn kiếm được nhiều tiền.

Tương lai ngỡ tưởng sáng sủa hơn, hóa ra rơi vào ngõ cụt khi 2 chị em bị bán cho một nhà hàng chủ chứa. “Lúc đầu chúng tôi phải ăn với khách, sau phải ngủ với khách. Được bao nhiêu tiền chủ giữ hết, chúng tôi chỉ biết ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, cứ có khách thì tiếp… Ngày ấy, chúng tôi phải tiếp khách từ sáng tới tối, có khi tiếp ba khách một lúc. Trong suốt quãng thời gian phải tiếp khách liên tục, tôi bị chủ cho hút ma túy, mãi sau này ra khỏi đó, tôi mới biết mình nghiện nặng”.

Trong một lần may mắn được bán về Hà Nội, phục vụ trong một nhà hàng ở phố Hoàng Hoa Thám, S gặp một ông khách tốt bụng giúp chị thoát thân… Nhưng tự do chẳng có nghĩa lý gì, vì S chẳng biết làm nghề gì nuôi sống bản thân. S lại quay về đường cũ, “đầu quân” cho nhà hàng Vạn Xuân ở Gia Lâm, một nhà hàng nổi tiếng của Khánh Trắng thời bấy giờ. Nhưng vì không chịu được những trận đòn đau, S bị đuổi, bơ vơ không nơi nào nhận, vì “lúc ấy nếu đã làm cho Khánh Trắng thì không nhà hàng nào dám nhận tôi nữa”.

S bắt đầu chuỗi ngày ra hồ Thiền Quang đứng đường. Cuộc sống của S thậm chí còn không có nổi một túp lều nứa chui ra chui vào. Những ngày kiếm được khách, S ngủ ở nhà nghỉ, hôm nào ế ẩm, S vạ vật ở ghế đá, vỉa hè… Đến khi mang bầu không biết bố đứa trẻ là ai, S cũng không có tiền để bỏ thai, đành phải giữ.  “Tôi có bầu nhưng tôi vẫn tiếp khách. Con sinh ngày 8/3 thì tối 7/3 tôi vẫn tiếp khách. Cả quãng thời gian bầu bí tôi không ăn hạt cơm nào vì cứ ăn là nôn, tôi chỉ dùng thuốc phiện và uống nước để có sức tiếp khách”...

“Ngày sinh con, tôi không một đồng trong người, hôm ấy lạnh mà con chẳng có bộ quần áo nào, đẻ xong bác sĩ còn phải quấn cho con một cái chăn chiên nhỏ. Các mẹ xung quanh người cho cái tã, người cho cái áo…”. S nuôi con được 3 tháng thì bị bắt vào trung tâm cai nghiện, rồi sau đó lại chìm trong chuỗi ngày cai nghiện – tái nghiện - tiếp khách. Con gái S được trao cho một người đàn ông tốt bụng, từng yêu thương chị, quan hệ với chị trong một thời gian trước. Chị cũng không rõ có phải con anh không, nhưng anh nuôi đứa con như con đẻ của mình, chăm lo nó ăn học nên người. Mãi sau này, S chưa một lần nghĩ đến chuyện nhận lại đứa con ấy của mình…

Có cơ hội là có tất cả

S bảo, những người bán dâm như chị muốn bỏ được nghề rất cần được trao cơ hội, quan trọng hơn nữa là cần có người luôn bên cạnh để khích lệ, động viên, dẫn dắt. “Nếu không có những cơ hội được tiếp xúc với những người có kinh nghiệm, được tham gia các hoạt động cộng đồng, thì có lẽ bây giờ tôi vẫn đang ở trong một trại cai nghiện nào đó”.

Hồi bị bắt vào trại cai nghiện, S có cơ hội gặp gỡ nhóm đồng đẳng khoảng 10 người bạn, họ đến trung tâm giới thiệu các hoạt động thiết thực ở cộng đồng dành cho những người bán dâm như S. “Tôi thấy rất tò mò, vốn ra khỏi trung tâm tôi cũng chẳng biết đi về đâu, tôi đánh liều hỏi các bạn ấy có thể cho tôi tham gia được không, tôi có thể có chỗ ngủ không… Họ bảo được, tôi càng tò mò, tôi không tin có nơi tốt thế”.

Ngày ra khỏi trung tâm, S tìm đến gặp nhóm đồng đẳng, được ngồi xem các bạn họp bàn, giơ tay phát biểu ý kiến, S ngạc nhiên thấy mọi người không tranh nhau nói mà rất lần lượt, từ tốn… Rồi tất cả hòa đồng với nhau, cười rất sảng khoái… Nụ cười ấy, trong mỗi lần bị bắt, nhốt vào xe thùng, S đã ao ước một lần được cười nhẹ nhõm đến thế.

“Trong nhóm đồng đẳng ấy, có những bạn tôi từng quen biết, có người kém hơn tôi rất nhiều mà vẫn hạnh phúc, tôi quyết tâm phải bằng bạn. Tôi muốn hạnh phúc như thế. Khi tôi mon men hỏi gia nhập nhóm, tôi nhận được đúng một câu: “Nếu chị muốn đi làm, chị phải cai nghiện hoàn toàn trong ít nhất 2 tháng, sau 2 tháng thì đến”.

Câu nói như cái phao cứu sinh khi S sắp chết đuối. “Khi nghe bạn ấy nói xong, tôi nhen lên hi vọng, rằng mình sẽ được sống thoải mái như thế, bình thường như thế. Đói cũng được, khát cũng được, tôi phải quyết tâm cai nghiện đủ 60 ngày” – S nói.

S thuê một nhà trọ ở ngoại thành với giá 500 nghìn đồng/tháng, ngày ngày ra Giáp Bát “tìm khách”, có khi suốt 3-4 ngày mới được 50 nghìn đồng. Nhưng S chẳng nản, ngày nào về nhà S cũng gạch 1 vạch thẳng lên tường, đếm từng ngày thoát khỏi nàng tiên nâu. “Ngày tròn 2 tháng, tôi hét lên lúc nửa đê khiến cả khu trọ mất ngủ”.

S đi xin việc ở nhóm đồng đẳng, dần dần tham gia vào nhiều công tác xã hội với mức lương bèo bọt 700 nghìn đồng/tháng, dù trước đó S đi khách 2 đêm là bằng 1 tháng lương, nhưng S nói, cảm giác lạ lắm, xúc động và trân quý đồng tiền vô cùng”. Càng dấn thân càng say, S tham gia vào mạng lưới hỗ trợ các nhóm tự lực của người bán dâm Việt Nam, trở thành một người chị trưởng thành, chia sẻ kinh nghiệm sống cho những người từng giống mình. Tròn 2 năm bỏ nghề hoàn toàn, S vẫn luôn nói, nếu được trao cơ hội làm một công việc khác, được mọi người sát cánh bên cạnh giúp đỡ như chị đã từng được các cán bộ SCDI hỗ trợ, chắc chắn những người từng hành nghề mại dâm như chị sẽ có một tương lai mới!

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?