Tại Hội thảo, các đại biểu, khách mời đã tập trung thảo luận về các nội dung như: Khẳng định thuyết “tam sinh, tam hóa”, cũng như không gian văn hóa ở những nơi Mẫu giáng sinh tại các tỉnh phía bắc, như: Nam Định, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Nội...; Nét độc đáo trong kiến trúc, điêu khắc của các di tích thờ Mẫu Liễu Hạnh tại phủ Dầy; Vai trò của các nhà Nho trong quá trình văn bản hóa Thánh tích; Lễ hội phủ Dầy trước và sau công cuộc đổi mới đất nước; Những phân tích, tổng hợp về tình hình kinh tế-xã hội đã giúp chúng ta hiểu thêm về tên gọi của tín ngưỡng, tên đất, tên làng gắn với huyền thoại về Thánh Mẫu trong không gian văn hóa các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Lạng Sơn…; đồng thời lý giải một số từ ngữ để tránh hiểu nhầm về địa danh trong không gian thờ tự.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh được phát tích từ các địa phương thuộc hai tỉnh Nam Định và Thanh Hoá liên quan đến việc sinh hoá, hiển thánh, kèm theo đó là cả một hệ thống đền, phủ nổi tiếng như Phố Cát, đền Sòng, Tây Mỗ (Thanh Hóa), phủ Quảng Cung (Phủ Nấp), Phủ Dầy, phủ Giáp Ba (Nam Định)… gắn với truyền thuyết Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh được diễn ra trong giai đoạn Hậu Lê từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII. Đó là giai đoạn lịch sử nước ta có nhiều biến động về chính trị, xã hội mà dường như đã được ghi lại một cách hữu ý trong huyền thoại về mẫu Liễu.
Trải bao thăng trầm, việc Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 12/2016 thực sự là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự thay đổi nhận thức của xã hội về di sản văn hóa tín ngưỡng này.
Tuy nhiên, cho đến nay, xung quanh vấn đề tên gọi, lịch sử hình thành, biến đổi các di tích trong quần thể Phủ Dầy; mối liên hệ giữa các di tích ở Phủ Dầy với các địa phương gắn với truyền thuyết Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh như Phủ Nấp (Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định), các đền phủ ở Thanh Hóa, Hà Nội, Lạng Sơn,... vẫn đang đặt ra những vấn đề cần tiếp tục thảo luận làm rõ.
Cuộc hội thảo “Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh: Lịch sử, giá trị, sự lan tỏa và việc bảo tồn, phát huy” do Trung tâm nghiên cứu tiềm năng của con người tổ chức với sự quan tâm của gần 30 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan, đơn vị, viện, trường đại học ở trung ương và địa phương như Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Sử học,… cùng 20 bài tham luận công phu, tỉ mỉ tiếp cận tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh từ nghiên cứu liên ngành hoặc đa ngành: Văn bản học, Lịch sử, Văn học, Văn hóa học, Tôn giáo học, Di sản văn hóa tín ngưỡng, Kiến trúc mỹ thuật, quản lý văn hóa..
Các tham luận tại Hội thảo cũng tiếp tục khẳng định, di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội, trong tâm tư, tình cảm cộng đồng. Từ góc độ quản lý có các bài viết của tác giả Phạm Lan Oanh, Bùi Quang Thanh, Doãn Sinh Nam, Vũ Công Hội chủ yếu đề cập đến những vấn đề bảo tồn phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Nam Định.
Với hơn 20 bài viết được thực hiện với tinh thần khách quan, khoa học và nghiêm túc đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của các nhà nghiên cứu đối với công cuộc bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh trong giai đoạn hiện nay. Nội dung các bài viết đã đề cập khá toàn diện các chủ đề hội thảo qua đó góp phần cung cấp thêm những kiến giải mới về lịch sử, giá trị của di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, đặc biệt là ở quần thể di tích Phủ Dầy.