Ông Kissinger, người đóng vai trò then chốt trong việc định hình quan hệ Trung-Mỹ thế kỷ 20, đã qua đời hôm thứ Tư tại nhà riêng ở Connecticut, hưởng thọ 100 tuổi.
Trong thông điệp gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc trước cái chết của ông Kissinger, cũng như thay mặt chính phủ và nhân dân Trung Quốc gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình người đã khuất, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thủ tướng Lý Cường cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình Kissinger, trong khi Ngoại trưởng Vương Nghị gửi thông điệp tới người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.
“Tiến sĩ Henry Kissinger là một chiến lược gia nổi tiếng thế giới, đồng thời là một người bạn cũ và một người bạn tốt của người dân Trung Quốc,” Tân Hoa Xã trích thư của ông Tập. “Ông ấy đã theo đuổi mục tiêu suốt đời là thúc đẩy sự phát triển quan hệ Trung-Mỹ và nâng cao tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tên tuổi của Kissinger sẽ mãi mãi gắn liền với quan hệ Trung Quốc-Mỹ”.
Henry Kissinger gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh vào tháng 7 năm 1971. |
Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác với Mỹ để duy trì tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung-Mỹ vì lợi ích của nhân dân hai nước, và đóng góp xứng đáng cho hòa bình và phát triển thế giới”.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung Steve Orlins cho biết cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã “thể hiện cam kết vững chắc của ông trong việc thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa hai quốc gia”.
Ảnh hưởng của Kissinger đã mở rộng ra ngoài phạm vi hoạt động ngoại giao và chính trị. Tác phẩm "Về Trung Quốc" của ông được coi là cuốn sách cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu về nền chính trị phức tạp của Trung Quốc.
Robert Daly, giám đốc Viện Wilson Center Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, gọi Henry Kissinger là “một trong những người khổng lồ cuối cùng”.
Daly ca ngợi Kissinger như “một trong những kiến trúc sư của mối quan hệ đã thay đổi thế giới” và vai trò then chốt của ông trong việc đoàn kết “hai quốc gia giữa Chiến tranh Lạnh”.
“Về cuối đời, ông đã cảnh báo rằng Mỹ và Trung Quốc đang ở bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới. Ông ấy đau khổ và lo lắng trước mối quan hệ không mấy tốt đẹp và nỗ lực không mệt mỏi để tránh xung đột giữa các siêu cường”, Daly nói. “Bây giờ, không có ai có được sự tín nhiệm như ông ở Bắc Kinh và Washington. Không ai có thể di chuyển giữa Bắc Kinh và Washington, ngồi cùng các nhà lãnh đạo quốc gia và thu hút sự chú ý của họ như Tiến sĩ Kissinger”.
Chia sẻ trên mạng xã hội X, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong cho biết ông “vô cùng sốc và đau buồn” khi biết về cái chết của Kissinger.
“Lịch sử sẽ ghi nhớ những gì người trăm tuổi này đã đóng góp cho mối quan hệ Trung-Mỹ và ông sẽ luôn sống mãi trong lòng người dân Trung Quốc như một người bạn cũ quý giá nhất”, đại sứ Tạ Phong khẳng định.
Mặc dù là một nhân vật gây tranh cãi ở Mỹ Latinh và Đông Nam Á, nơi ông trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến tranh và đảo chính, Kissinger vẫn là cố vấn được kính trọng cho cả hai đảng chính trị lớn ở Mỹ.
Bữa tối và lễ kỷ niệm vinh danh ông có sự tham dự của các thành viên Quốc hội và quan chức từ nhiều chính quyền khác nhau. Nhiều tổng thống, từ Richard Nixon đến Donald Trump, đã tìm kiếm lời khuyên của Kissinger về cách xử lý các mối quan hệ ngoại giao tế nhị với Bắc Kinh.
Nhà ngoại giao kỳ cựu này cũng được các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đánh giá cao. Mỗi chuyến đi thăm Trung Quốc của Kissinger đều được đón tiếp bằng các nghi lễ trang trọng, ngay cả sau nhiều thập kỷ ông rời xa Nhà Trắng.
Trong thông cáo ban đầu về cái chết của Kissinger hôm thứ Tư, Tân Hoa Xã cho biết ông đã đến thăm Trung Quốc hơn 100 lần.