Ngày 12/9, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang điều trị cho bệnh nhân Đặng Xuân Hà (61 tuổi, trú huyện Cẩm Xuyên) vì dương tính với vi khuẩn "ăn thịt người" - Burkholderia pseudomallei (còn gọi là bệnh Whitmore).
Ba hôm trước, ông Hà được người thân đưa đến Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh điều trị trong tình trạng sốt cao, rét run, huyết áp tụt. Ngón 2 bàn chân phải có khối sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi.
Qua thăm khám, bệnh nhân được xác định dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore).
Người thân cho biết tuần trước, ông Hà bị sốt cao liên tục, ngón 2 bàn chân phải có khối sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi song ông vẫn làm việc đồng áng mà không mang đồ bảo hộ.
Bác sĩ Võ Hoài Nam, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải. Khi xuống đồng ông Hà không mang bảo hộ và bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei xâm nhập.
"Bệnh Whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong một tuần kể từ khi phát bệnh", bác sĩ khuyến cáo.
Whitmore còn gọi bệnh melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này sống trong đất, vì thế đường lây nhiễm chính là qua tiếp xúc vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Lây nhiễm qua đường hô hấp khi bệnh nhân hít phải các hạt bụi có vi khuẩn trong những trận lốc xoáy trước cơn mưa.
Bệnh nhân bị Whitmore thường sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ khớp, đau đầu và co giật. Thời gian ủ bệnh 1-21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện 2 đến 4 tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.