Trò chuyện với chúng tôi, lão nông Dương Tư tâm sự, hồi thanh niên hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn, vừa mới được học hết lớp 7 phải nghỉ học, bươn trải khắp nơi kiếm sống, ông còn đến cả nước Nhật xa xôi để lao động, kiếm tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Khi tiếp xúc với người đàn ông tóc đã ngả màu bạc này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi ông biết và am hiểu nhiều loại máy nông nghiệp hiện đại.
Ông Tư tâm niệm, các loại máy móc sẽ giúp quá trình sản xuất nhẹ nhàng hơn, từ đó cuộc sống con người trở nên thú vị rất nhiều, “Hiện nay công việc cấy cày ngoài ruộng rất khổ, luôn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm nhưng năng suất không cao. Chính vì vậy, lúc còn thanh niên tôi luôn nung nấu ý tưởng chế tạo một chiếc máy để giúp bà con nông dân bớt khổ và giảm chi phí gieo trồng”.
Năm 2014, sau nhiều nỗ lực ông Tư đã hoàn thành chiếc máy cấy lúa mà mình đã ấp ủ nhiều năm trước. Ông Tư cho biết, máy cấy lúa này có cấu tạo bằng các loại phế liệu như sắt, gỗ… và chỉ nặng khoảng 18kg nên dễ mang vác, nhất là phục vụ cho những đồng ruộng có diện tích hẹp như các thửa ruộng bậc thang, ruộng có diện tích nhỏ. Trên máy cấy có hai khay đựng mạ, người dùng chỉ việc kéo máy đi trên thửa ruộng và dùng tay quay để chuyển động bộ phận kẹp mạ. Sau đó, máy sẽ tự động tách mạ và cấy xuống ruộng một lần hai hàng.
“Khi hoàn chỉnh chiếc máy xong tôi thấy sung sướng đến độ không ăn cơm cũng thấy no, vội đem ra ruộng nhà mình cấy thử ngay. Máy đi dưới ruộng êm ru, năng suất tương đương với 6 người cấy thủ công bằng tay”, ông Tư cười, nói.
Ngoài chế tạo thành công máy cấy lúa, ông còn nổi tiếng với nhiều sản phẩm hữu ích cho các loại cây trồng khác, như máy cắt rau má với năng suất thu hoạch cao gấp nhiều lần so với cắt tay (mỗi giờ cắt được 1.200 m2); ghế trèo dừa, hệ thống tưới nhỏ giọt cho đồng ruộng khô…
Thời điểm chúng tôi tìm đến nhà, ông Tư cũng đang trong giai đoạn hoàn thành thêm sản phẩm mới của mình, đó là chiếc ghế trèo dừa. Nhìn cấu tạo bên ngoài của nó khá đơn giản nhưng lại cho hiệu quả cao.
Theo quan sát, chiếc ghế độc đáo này có hai khung đỡ. Khung thứ nhất có ghế tựa vào giá treo, khung đỡ thứ hai có kết cấu tương tự khung đỡ thứ nhất. Hai khung được nối với nhau bằng dây cáp.
Vừa móc hai chiếc khung lên thân cây dừa bên hông nhà, ông Tư nhẹ nhàng leo lên ngồi trên khung thứ nhất, đôi chân để lên khung thứ hai. Nhìn ông chỉ dùng một chút sức rướn của cơ chân nhưng toàn bộ cơ thể cứ thế từ từ được nâng lên. Khi khung thứ nhất lên thì khung thứ 2 đứng lại. Sau đó khung thứ nhất sẽ đứng lại, khung thứ 2 tiếp tục nhích lên, chỉ vài phút sau ông Tư đã lên tới đỉnh ngọn dừa.
Theo ông Tư, khi sử dụng giá đỡ và ghế dựa ở khung đỡ thứ nhất, người hái dừa sẽ cảm thấy rất thoải mái và an toàn khi thực hiện công việc. Đến nay, ông đã bán được 4 ghế với giá 1,2 triệu đồng.
Khi được hỏi về dự định tiếp theo, lão nông thật thà, “tôi vẫn theo đuổi niềm đam mê sáng chế và chọn ra một sản phẩm ưng ý nhất để chuyên sản xuất. Thật sự mà nói, những sản phẩm của tôi làm ra không cao siêu gì cả, tôi chỉ mong muốn sáng tạo ra nhiều sản phẩm nữa để giúp ích cho bà con nông dân”, ông Tư bộc bạch.
Anh Võ Văn Thi (48 tuổi) cho biết, “Những sản phẩm ông Tư làm ra có ưu điểm là đơn giản, rẻ tiền, dễ sử dụng. Hiện tại, nhà tôi cũng đang dùng hệ thống phun tưới nước tự động của ông cho vườn thanh long của mình. Hệ thống này giúp tiết kiệm thời gian, công sức, mang lại hiệu quả cao”, anh Thi nói.
Theo Môi Trường và Cuộc Sống