Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, lễ hạ nêu tại hoàng cung triều Nguyễn được thực hiện để đánh dấu kỳ nghỉ Tết kết thúc, chuẩn bị bước vào một năm làm việc mới. Theo đúng nghi thức xưa, lễ hạ nêu được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế tái hiện trang trọng, bao gồm các phần, như: cúng nêu, nhạc lễ và tiến hành hạ cây nêu đã được dựng vào ngày 23 tháng Chạp tại Triệu Miếu và Thế Miếu.
Sau lễ hạ nêu là phần khai ấn cung chúc tân xuân. Đây là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy hành chính trung ương xưa với hy vọng cả năm mọi việc suôn sẻ, nhiều thành công, đất nước được thái bình thịnh trị.
Kim ấn (được mô phỏng phục chế) được lấy xuống từ ngọn cây nêu với bốn chữ “Phú - Thọ - Khang - Ninh” mang ý nghĩa: Giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh và bình yên. Người xưa quan niệm những chữ này cầu chúc yên ổn, tốt lành, trường tồn cho đất nước, may mắn, ấm no cho nhân dân.
Kim ấn được đóng vào các bức thư pháp có viết những chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Cát tường, Bình an… mang ý nghĩa may mắn tặng cho du khách. Đây là những thông điệp, lời chúc về bao điều tốt đẹp, an lành, may mắn, hanh thông sẽ đến trong năm mới đối với du khách, người dân khi vào hoàng cung ở Huế xin chữ trong ngày đầu năm tổ chức nghi lễ hạ nêu, khai ấn.
Lễ hạ nêu được tái hiện trang trọng, bao gồm các phần: cúng nêu, nhạc lễ và tiến hành hạ cây nêu. |
Hoạt động văn hóa truyền thống này đã được tái hiện với các nghi thức tương tự như dưới triều Nguyễn, được bảo tồn và phát huy trong nhiều năm qua, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm dịp đầu năm mới. Chị Lê Thị Hồng Nhung (du khách đến từ Ninh Bình) chia sẻ, chị rất may mắn khi lần này đến Huế được chứng kiến hoạt động văn hóa truyền thống ý nghĩa này. Dịp này, chị cũng được tặng chữ “An”, hi vọng sang năm mới sẽ được an yên như chữ này”.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức nhiều chương trình vui Tết phục vụ du khách với các hoạt động như Lễ đổi gác, biểu diễn đại nhạc, tiểu nhạc, ca Huế, các trò chơi cung đình, biểu diễn lân sư rồng, võ thuật… Theo thống kê, trong 6 ngày (từ ngày 20 - 26/1), các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý đã đón hơn 66.000 lượt khách, trong đó có 12.848 khách quốc tế, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng.