Ngay người Trung Hoa cũng không biết phong tục này bắt đầu từ đời nào. Nhưng đọc các sách Nam kinh mộng lục, Kim Bình Mai, Hồng lâu mộng... thì thấy phong tục này đã phổ biến trong các đại gia tộc phong kiến từ thời Minh, Thanh.
Cũng là phong tục này nhưng cách nay hơn 50 năm, ở miền Bắc và miền Trung gọi là mừng tuổi. Có nghĩa là người lớn mừng trẻ con hoặc con cái mừng ông bà cha mẹ thêm được một tuổi trong ngày Tết. Tất nhiên không chỉ là những lời chúc suông mà kèm một món tiền nhỏ đựng trong phong bì bằng giấy hồng điều.
Trước khi nhà nước có lệnh cấm đốt pháo vào năm 1995 thì ngoài món mừng tuổi có thể kèm thêm phong pháo để đốt liền tại chỗ. Thời ấy tập tục này có ý nghĩa vui là chính và có thể xem là thuần phong mỹ tục.
Nhưng tập tục này ngày càng biến tướng. Có thể nhận ra biến tướng đó ngay trên cái bao lì xì. Nếu lúc xưa bao lì xì chỉ là một bao giấy hồng điều làm bằng tay, đựng vài ba đồng bạc lẻ thì ngày nay có cả một ngành công nghiệp sản xuất bao lì xì với đủ kích cỡ, mẫu mã rất phong phú đa dạng.
Nền công nghiệp này cần có những họa sĩ thiết kế trình bày. Lại cần những người thạo chữ để nghĩ ra những lời chúc Tết bằng tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Anh để in trên phong bì.
Mấy năm gần đây, tục lì xì lại có thêm dấu ấn của văn hóa Mỹ. Người Mỹ cho rằng tờ 2 USD là tờ giấy bạc may mắn. Họ thường để một tờ 2 USD dằn trong ví tiền. Nhiều người Việt Nam cũng muốn có 2 USD để dằn túi và để lì xì nhau trong dịp Tết. Thế là gần Tết rộ ra các dịch vụ đổi tiền Việt ra tiền 2 USD để kiếm lời.
Phong bao lì xì mạ vàng với giá khá "chát" là "mốt" của những năm gần đây |
Mới nhất, Tết năm nay là những loại bao lì xì có in hình những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn từ 100.000d tới 500.000đ. Đặc biệt có những loại bao lì xì bằng vàng hoặc bằng bạc; giá mỗi cái bao đã gần 500.000 đồng. Chẳng biết phải bỏ thứ gì trong những cái bao ấy mới xứng!
Bây giờ thì lì xì không phải vui là chính mà tài lợi là chính. Và đó là dấu ấn của một nền kinh tế thị trường không lành mạnh. Trong cơ chế vận hành của nó không có cửa cho dân nghèo. Vì vậy đối với lớp người nghèo, tục lì xì ngày càng trở thành vấn đề đáng lo nghĩ. Thậm chí có nhiều người ngày Tết không dám đi thăm bà con vì không kham nổi cái khâu lì xì.
Tiền lì xì cho trẻ con ngày Tết thường được nhét vào con heo đất. Con heo đất cũng càng ngày càng có kích cỡ to lớn để đựng tiền lì xì. Hình tượng con heo đất dễ thương này cũng bị biến tướng, mang hình tượng những ông quan tham ăn tiền cửa sau: "Ăn tiền cửa sau /Là con heo đất /Heo này mau mập/Nhưng chẳng no lâu/Gặp sao La hầu /Trước sau cũng vỡ...”.
Lâu nay hàng loạt quan tham đã bị truy tố vì tội tham nhũng, hối lộ. Chắc chắn trong những khoản tiền hàng trăm, nghìn tỉ mà họ đã thủ đắc, có không ít tài khoản được mệnh danh là tiền lì xì. Rõ ràng là phong tục mừng tuổi rất dễ thương sau khi biến tướng thành lì xì thì đang tiếp tục diễn biến ngày càng xấu hơn.
Nó đang trở thành hủ tục.
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, nhà văn, nhà báo sống tại TP.HCM.
Theo Thanh Niên