Chim sẻ Wilkins sống trên đảo Nightingale, một phần của quần đảo Tristan da Cunha, quần đảo xa xôi nhất thế giới có người sinh sống. Loài chim này ăn quả của một thực vật tên Phylica arborea, cây bản địa duy nhất của hòn đảo.
Tuy nhiên, vào khoảng năm 2011, các nhà khoa học phát hiện dấu hiệu của “một vị khách không được chào đón”, một loài côn trùng xâm lấn hút nhựa cây vô tình được con người đưa vào đảo. Những côn trùng này tiết ra dịch ngọt giúp kích thích sự phát triển của nấm bồ hóng, loại nấm làm suy yếu và giết chết cây Phylica arborea. Sự xuất hiện của chúng là mối đe dọa phá hủy cả khu rừng và quần thể chim nhỏ bé.
Tin tức này là một đòn giáng mạnh đối với các nhà khoa học nghiên cứu và bảo vệ loài chim này vì số lượng chim đã bị suy giảm nghiêm trọng. Những cơn bão lớn vào năm 2019 đã phá hủy phần lớn khu rừng, các cuộc khảo sát trước cơn bão cho thấy chỉ còn khoảng 120 cặp chim sinh sản.
Hội Bảo vệ Chim Hoàng gia Anh (RSPB), Trung tâm Sinh học Nông nghiệp quốc tế (CABI), Cơ quan Nghiên cứu Thực phẩm và Môi trường cùng Chính phủ Tristan da Cunha đã lên kế hoạch táo bạo để cứu chim sẻ Wilkins. Họ quyết định thả một loài ong ký sinh nhỏ có tên Microterys nietneri, loài này có khả năng ngăn chặn sự sinh sản của côn trùng gây hại. Đồng thời, họ cũng thiết lập một vườn ươm cây để tăng số lượng cây và cải thiện an toàn sinh học trên đảo nhằm ngăn chặn các loài xâm lấn có thể đến trong tương lai.
Loài ong Microterys nietneri mất gần một tháng để di chuyển đến đảo Nightingale. Ảnh: Chris Malumphy |
Trước hết, loài ong cần phải sống sót qua chuyến đi dài từ London, một hành trình kéo dài gần một tháng bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không. Tiến sĩ, nhà côn trùng học tại CABI, Norbert Maczey chia sẻ: "Những con ong phải đối mặt với một hành trình khó khăn. Đầu tiên là chuyến bay từ London đến Cape Town trong một túi làm mát, sau đó là thời gian cách ly bắt buộc trong phòng khách sạn. Tiếp theo là chuyến đi thuyền kéo dài một tuần đến Tristan với nhiệt độ đôi khi xuống dưới 0 độ C. Cuối cùng là một chuyến đi thuyền khác đến đảo Nightingale. Có vẻ như may mắn và thời gian đều chống lại chúng tôi, chỉ còn lượng ít ong sống sót vượt qua."
Chỉ có chưa đến 10% số ong sống sót qua chuyến đi, vào tháng 4/2021, đợt thả ong đầu tiên đã diễn ra, nhiều đợt khác được thả trong hai năm sau đó. Dần dần, một quần thể ong đã tự bắt đầu hình thành.
Các nhà khoa học tin rằng loài ong đã giúp cứu loài chim khỏi tuyệt chủng. Cuộc khảo sát vào tháng 2/2024 cho thấy mặc dù mất khoảng 80% diện tích rừng nhưng vẫn còn khoảng 60-90 cặp chim trên đảo Nightingale. Mặc dù quần thể đã giảm, nhưng khu rừng đã phục hồi trong thời gian ngắn kể từ khi ong được thả, số lượng chim sẻ sẽ ổn định và có cơ hội phục hồi trong vài năm tới.
David Kinchin-Smith, Quản lý dự án Lãnh thổ Hải ngoại Anh của RSPB, cho biết "Dự án này cho thấy những gì có thể đạt được trong việc thay đổi số phận của một loài bị đe dọa. Sự quyết tâm, trình độ chuyên môn về sinh thái và sự may mắn đã góp phần vào thành công của công trình này."