Chim ong mật, biểu tượng rực rỡ của quần đảo Hawaii, đang phải đối mặt với hiểm họa tuyệt chủng vì sốt rét do muỗi mang đến. Kẻ thù thầm lặng này được du nhập bởi tàu châu Âu và Mỹ vào thế kỷ 19, gieo rắc mầm bệnh cho loài chim vốn không có khả năng miễn dịch. Chỉ với một vết cắn, nọc độc từ muỗi đã đủ sức tàn phá mạng sống của chim ong mật.
Quần đảo Hawaii đang chứng kiến cuộc chiến sinh tồn của 17 loài ong mật bản địa. 33 loài khác đã không may mắn bị tuyệt chủng, nhiều loài còn lại đang đối mặt với nguy cơ tương tự. Lo ngại một số loài có thể biến mất chỉ trong một năm nếu không có biện pháp kịp thời, các nhà bảo tồn đã áp dụng một chiến lược táo bạo: thả muỗi.
Mỗi tuần, 250.000 con muỗi đực mang vi khuẩn Wolbachia "ngừa thai" tự nhiên được thả xuống các hòn đảo từ trực thăng. Việc thả muỗi đã được thực hiện 40 lần, tổng cộng 10 triệu con muỗi được thả ra.
Đã có 10 triệu con muỗi được thả xuống Hawaii. Ảnh: Courtesy of NPS |
Các nhà khoa học đang sử dụng kỹ thuật côn trùng không tương thích (IIT) để thả muỗi đực mang vi khuẩn Wolbachia. Khi muỗi đực này giao phối với muỗi cái hoang dã, vi khuẩn sẽ ngăn chặn sự phát triển của trứng, từ đó làm giảm số lượng muỗi và giảm nguy cơ lây lan bệnh sốt rét sang chim ong mật.
Theo số liệu thống kê của Sở Công viên Quốc gia, số lượng chim ong mật ‘Akikiki đã sụt giảm đáng báo động, từ 450 cá thể vào năm 2018 xuống còn 5 cá thể vào năm 2023. Tính đến nay, chỉ còn duy nhất một cá thể ʻAkikiki được biết là còn sót lại trong tự nhiên trên đảo Kauaʻi. Loài chim ong mật này nổi tiếng với giọng hót vang xa như chim hoàng yến và mỏ của chúng có hình dáng đa dạng. Mỗi phân loài ʻAkikiki đã tiến hóa mỏ đặc biệt để thích nghi với các nguồn thức ăn khác nhau, từ ốc sên, trái cây đến mật hoa. Chúng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, góp phần thụ phấn cho cây và kiểm soát quần thể côn trùng.