Phá vỡ nhiều nguyên tắc
Chính phủ có quy hoạch và cho chủ trương phát triển mạng lưới đường cao tốc theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) thời gian qua đã giúp việc đi lại, kết nối vùng miền trở nên nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, tại nhiều dự án, do triển khai vội vàng, máy móc và không tuân thủ chủ trương, nên khi đi vào hoạt động đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân.
Theo nguyên tắc, đường làm ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó, tuy nhiên chỉ tính tại khu vực các tỉnh phía Bắc, trong tổng số 10 dự án đường cao tốc và tuyến tránh được thực hiện theo hình thức BOT, có tới 6 dự án trạm thu phí đặt sai vị trí.
Cụ thể là các dự án: Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình do Cty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình thực hiện, đặt trạm thu phí BOT hoàn vốn trên QL6; đường Hồ Chí Minh từ QL32 đến Hương Nộn do Cty TNHH BOT Hùng Thắng thực hiện, đặt trạm thu phí BOT để hoàn vốn dự án trên QL32; đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) do Cty Cổ phần BOT Viettracimex8 xây dựng, đặt trạm thu phí BOT để hoàn vốn dự án trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội); đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn do Cty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ
Mới thực hiện, đặt trạm thu phí BOT hoàn vốn trên QL3; dự án đường tránh thành phố Thanh Hóa, do Cty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa thực hiện, đặt trạm thu phí BOT hoàn vốn trên QL1; dự án đường tránh thành phố Vinh (Nghệ An), do Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) thực hiện, đặt trạm thu phí BOT hoàn vốn trên cầu Bến Thủy (QL1)…
Với lý do không đi đường dự án nhưng vẫn phải đóng phí, sau khi các dự án trên hoàn thành và thu phí (với tuyến cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn đang thu phí thử) đã bị người dân phản ứng quyết liệt.
Ngoài đặt sai vị trí, hầu hết các trạm trên còn bị người dân phản ứng, thu phí thiếu công bằng khi nhiều người chỉ đi có vài km nhưng bị thu phí cả lượt. Cùng với đó, theo quy định các dự án trên phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, nhưng theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hầu hết các dự án trên đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu.
Trạm BOT bị rút còn 7 năm: Dân quá thiệt!
Trước các phản ứng của người dân và dư luận thời gian qua, trong buổi đánh giá 5 năm công tác đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và BT vào đầu tháng 6/2016, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu lãnh đạo Bộ GTVT phải rà soát, chấn chỉnh và “Không làm BOT bằng mọi giá”.
Tiếp đến, ngày 4/8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ký văn bản số 8177 truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về việc, yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan có các giải pháp xử lý những bất cập còn tồn tại tại các trạm thu phí BOT.
Thực hiện các chỉ đạo trên trong thời gian qua hầu hết các dự án và trạm BOT bị người dân phản ứng đều được Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan thanh, kiểm tra công tác thu chi, trong đó có việc giám sát lưu lượng, doanh thu tại các trạm thu phí BOT.
Đến nay, đã có 2 trạm tại đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) được công bố. Với trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, sau kiểm tra, Tổng cục Đường bộ phát hiện có số thu chênh 700 triệu đồng/ngày so với số nhà đầu tư khai báo.
Tại trạm thu phí BOT Tào Xuyên, dự án đường tránh thành phố Thanh Hóa, sau khi kiểm tra và giám sát thu phí tại đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT, dự án chỉ cần thu 7 năm 2 tháng là đủ tổng mức đầu tư cho dự án, không cần phải kéo dài 27 năm 8 tháng như hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư trước đó.
Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ GTVT
Một số chuyên gia cầu đường cho rằng, việc thực hiện các dự án BOT vừa qua được triển khai khá ồ ạt và thiếu sự kiểm soát. Điều đó dẫn đến mục tiêu thực hiện các dự án BOT phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư – người sử dụng không đạt được. Dự án có số thu chênh đến 700 triệu đồng/ngày và rút ngắn tới trên 20 năm thu phí chứng tỏ khâu thẩm định, duyệt dự án của cơ quan nhà nước có vấn đề.
Theo các chuyên gia, vấn đề ở đây xảy ra ở 2 góc độ, một là do năng lực yếu, khiến nhà đầu tư thao túng từ khâu lập dự án đến khảo sát lưu lượng phương tiện, lên phương án thu phí hoàn vốn; hai là do có “lợi ích nhóm”?
“Chưa biết lợi ích từ các dự án BOT mang lại cho người dân đến đâu, nhưng mới chỉ công bố kết quả hai dự án được kiểm tra như trên đã đủ chứng minh việc thu phí của các trạm BOT đang khiến người dân quá thiệt thòi” - PGS.TS Lã Văn Chăm, Phó trưởng bộ môn Đường Bộ, ĐH GTVT đánh giá.
Luật sư Phạm Hải Hạnh, trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hạnh (Hà Nội) cũng cho rằng, lưu lượng phương tiện qua lại lớn hơn nhiều con số khai báo, số phí thu 2.000 đồng/km (gấp đôi một số các trạm BOT khác) là nguyên nhân trạm Tào Xuyên phải rút ngắn thời gian thu phí.
Vậy những chủ phương tiện đã bị thu phí giá cao vừa qua có quyền yêu cầu nhà đầu tư hoàn trả lại mức phí đã thu vượt gấp đôi. Theo bà Hạnh, trách nhiệm lớn nhất để xảy ra việc này thuộc về cơ quan có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt tất cả các dự án BOT là Bộ GTVT.
Trao đổi với Tiền Phong chiều 10/8, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đang rà soát các trạm thu phí có mức thu cao và vị trí người dân có phản ứng để điều chỉnh cho phù hợp. Với các trạm BOT trên QL6, QL32, Bộ GTVT đã khắc phục bằng việc yêu cầu nhà đầu tư giảm phí cho người dân địa phương. Ông Nhật cho biết, tuần tới Bộ GTVT sẽ họp những bất cập của các dự án và trạm BOT và sẽ có đánh giá cụ thể.
Theo Tiền Phong