Đúng là có gây khó
Câu chuyện các tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ để thanh toán tại các trạm BOT không còn mới. Hầu hết lý do được những tài xế này đưa ra chính là những bất cập của các trạm thu phí này, bởi họ cho rằng, nhiều trạm BOT được dựng lên dày đặc, đội chi phí và làm lãng phí quá nhiều thời gian.
Đơn cử như sự vụ mới xảy ra ở trạm thu phí đường tránh Cai Lậy (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Đây là trạm thu phí đi vào hoạt động từ 1.8, nhưng đã nhận nhiều ý kiến phản ứng từ nhiều tài xế khi cho rằng, với đoạn đường tránh rất ngắn nhưng thu phí lại quá cao. Theo quy định, mức phí áp dụng cho các loại phương tiện qua đây từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng. Tuy vậy, không ít tài xế đã sử dụng lượng lớn số tiền có mệnh giá rất nhỏ, có khi là những tờ 200 hoặc 500 đồng và được gói nhỏ, để chai nhựa.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Nên – Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc các tài xế làm nhàu những tờ tiền để đóng phí là việc làm khó coi, bởi ngoài việc gây khó khăn cho các nhân viên ở trạm, còn có thể dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Ở một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang cho hay, từ ngày đi vào hoạt động, hầu như luôn có hiện tượng lái xe đựng tiền mệnh giá nhỏ vào chai nhựa hoặc túi nilon để trả tiền phí, gây không ít khó khăn cho công tác thu phí tại đây.
Với tình huống này, phía trạm sẽ tổ chức cho các xe chạy qua và chờ ở làn dự phòng, sau đó cắt cử nhân viên đếm đủ tiền thì cho xe đi tiếp.
Nhưng không phạm luật
Luận bàn về tình huống nói trên, một số ý kiến cho rằng, việc làm của các tài xế có biểu hiện của việc cố tình chống đối, gây mất trật tự, ảnh hưởng an toàn giao thông cũng như gây ùn tắc, cản trở các phương tiện hoạt động bình thường.
Nhưng, nhìn nhận một cách toàn diện, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, nếu chỉ đơn thuần là việc dùng tiền mệnh giá nhỏ, đựng chai nhựa, các tài xế này không phạm luật.
Theo phân tích của tiến sĩ Thiệp: “Nếu nói các tài xế có hành vi trên là phạm luật, vậy, luật nào, điều nào quy định các tài xế không được sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để thanh toán, chi trả? Luật nào, điều nào quy định các tài xế phải thanh toán qua trạm thu phí BOT nhanh hay chậm, trong bao lâu?”.
Trong câu chuyện này, tiến sĩ Thiệp đánh giá, các cơ quan chức năng thay vì tìm cách ngăn chặn, xử lý các tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ, hãy đi tìm căn nguyên của vấn đề.
“Một đoạn đường tránh cũng mất khoản tiền kha khá, rồi người dân cứ cảm giác dắt xe ra đường là mất tiền, trạm BOT liên tục được dựng lên, đây chính là mấu chốt của hiện tượng phản ứng của các tài xế. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý phải bàn bạc, đưa ra được những điều chỉnh hợp lý. Tôi ví dụ việc gắn thẻ chip miễn phí cho các hộ dân quanh vùng, hay việc triển khai vé tháng cũng là việc có thể áp dụng” – ông Thiệp nhận định.
Đồng tình quan điểm này, luật sư Hằng Nga, Trưởng văn phòng luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đưa quan điểm: “Luật pháp thì đúng cần phải nghiêm minh, nếu các tài xế cố tình tạo ra căng thẳng, gây rối trật tự công cộng hoặc làm ùn tắc nghiêm trọng giao thông, làm ảnh hưởng đến sự lưu thông bình thường thì cần xử lý. Tuy nhiên, trước khi xử lý, các đơn vị chức năng cần trả lời câu hỏi, vì sao họ lại làm như vậy, qua đó mới giải quyết đến nơi đến chốn hiện tượng này”.
Theo Lao động