Lớp học này trước kia đặt ở khu phố 5, đường Liên khu 5-11-12, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM nằm trong dãy phòng thuê trọ lụp xụp của dân nhập cư kiếm sống bằng đủ thứ nghề, trẻ em nghèo đa phần ít được học hành như bạn bè đồng trang lứa. Có những em đã 10-15 tuổi nhưng một con chữ bẻ đôi cũng không biết. Gia đình ông Đoàn Minh Hùng gồm vợ và 2 con cũng thuê phòng trọ sinh sống tại đây, hàng ngày hành nghề “ai kêu làm gì, làm nấy”.
Tình cờ, một ngày đầu năm 2010, ông Hùng biết chuyện có hai đứa con của người hàng xóm thân quen vốn rất ham học nhưng không có điều kiện đến trường, vậy là ông thương cảm bàn với vợ gọi hai em về nhà tận tình dạy chữ. Dần dà, nhiều người trong xóm “nhìn thấy cũng hay hay” bèn gửi con cái đến nhà ông học mỗi lúc một đông. Kể từ đó, hàng ngày cứ đúng 18 giờ, căn phòng trọ chật hẹp của gia đình ông Hùng vang lên những tiếng đọc bài ê, a của đám trẻ con. Ông Hùng đặt luôn tên lớp học của mình là “Lớp học tình thương Hòa Hảo”
Cả hai vợ chồng ông Hùng đều không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập cũng bấp bênh, tuy nhiên với quyết tâm giữ gìn lớp học do chính tay mình gầy dựng, ông đã gọi cả nhà ngồi lại cùng bàn tính quyết định cho bán mảnh đất hương hỏa của cha mẹ dành cho ở quê nhà, lấy tiền chuyển sang thuê phòng trọ rộng rãi hơn để đám học trò nhỏ có thể tiếp tục đến lớp. Cả nhà đều nhất trí. Tiếp đó ông di chuyển chỗ ở, thuê hai căn phòng trọ tại địa chỉ hiện nay là số 166 đường Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, một phòng hai vợ chồng ông mở quán bán cơm chay, phòng còn lại dùng mở rộng lớp học nhằm đón thêm học trò. Cũng từ đây, bà con quanh vùng hay gọi lớp học tình thương Hòa Hảo của ông Hùng là “Lớp học tình thương của hai ông bà bán cơm chay”. Đáng chú ý, quán cơm chay của vợ chồng ông Hùng cũng bán với giá rất mềm, chỉ 8-10 nghìn đồng/ suất cho những người lao động nghèo. Với những người già neo đơn và người quá nghèo, vợ chồng ông sẵn sàng phục vụ miễn phí!
Hiện tại, lớp học tình thương Hòa Hảo của ông Hùng có hơn 80 em theo học, lúc cao điểm lên đến 130 em. Vào mỗi buổi chiều, chẳng cần ai nhắc, các em nhanh chóng tiến đến khu vực bếp ăn, mỗi đứa nhận lấy một phần cơm dọn sẵn, chọn một chỗ ngồi, ăn uống xong rồi nhanh chóng bước vào học các môn chính như Văn, Toán, ngày cuối tuần học tiếng Anh. Có tất cả 9 lớp, từ vỡ lòng đến lớp 8. Do số lượng các em đến học ngày càng đông nên cả 4 thành viên của gia đình ông Hùng phải thay nhau lên lớp. Cạnh đó còn có một số bạn sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học nghe tiếng cũng tìm đến góp chút ít công sức vào sự nghiệp “đưa đò” thầm lặng của vợ chồng “thầy” Hùng.
Ông Đoàn Minh Hùng cho biết kinh phí cho các bữa ăn, sách vở, bút viết, tiền thuê nhà hiện tại mỗi tháng tiêu tốn trên dưới 30 triệu đồng, điều này đồng nghĩa với việc gia đình ông luôn phải ra sức lao động kiếm tiền để có thể trang trải. Tuy nhiên, hiện nay cũng có nhiều nhóm thiện nguyện, các nhà mạnh thường quân đến tìm hiểu, ủng hộ dụng cụ học tập và một phần kinh phí cho lớp học. Nhiều bạn sinh viên thì đóng góp công sức, tranh thủ buổi tối đến lớp dạy cho bọn trẻ nên cũng “tạm đỡ” phần nào. Ông tâm sự: “Vốn xuất thân là nông dân lại có một tuổi thơ rất gian khó, nhìn thấy mấy đứa nhỏ trong xóm hàng ngày phải phụ giúp gia đình bán vé số, nhặt ve chai, tôi thấu hiểu và quyết định mở lớp học này với ước mong sao bọn trẻ có cái chữ để sau này vào đời không bị thiệt thòi.