Chiếc lư hương vừa được đưa về và đặt lại ở vị trí cũ dưới chân tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo tại Công viên Mê Linh (quận 1, TP.Hồ Chí Minh).
Chiếc lư hương được tái an vị vào lúc 23g30 đêm Rằm tháng Hai năm Nhâm Dân, nhằm ngày 16/3/2022.
Ngày 17/2/2019, dịp kỷ niệm 40 năm ngày quân dân Việt Nam đánh quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, lư hương dưới chân tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo bị dời về Đền thờ Trần Hưng Đạo ở số 36 Võ Thị Sáu (phường Tân Định, quận 1, TP.Hồ Chí Minh).
Việc dời lư hương này đã gây bức xúc trong nhân dân và giới nghiên cứu kể từ đó cho đến khi chiếc lư hương được tái an vị sau hơn 3 năm 1 tháng, tương đương khoảng hơn 1.000 ngày.
Anh Nguyễn Văn Quỳnh (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) dâng hoa và thắp nhang viếng tượng Đức thánh Trần vào đêm 18/3. "Khi biết lư hương của ngài được đưa về, tôi đến thắp nhang cho ngài", anh Quỳnh tâm sự. Anh Quỳnh cũng cho biết mình rất buồn khi lư hương bị dời đi trước đó.
Gần 6 tháng trước đó, tượng đài và Công viên Mê Linh được lấy kiến nghị, tranh luận trước khi sửa chữa. Toàn bộ công trình được khánh thành vào ngày 17/3/2022 vừa rồi.
Riêng tượng đài, có thêm chữ “Đức thánh” vào trước tên Trần Hưng Đạo của ngài sau khi sửa chữa.
Đức thánh Trần Hưng Đạo (1231 - 1300) tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần.
Năm 1257, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần đầu, ông được cử cầm quân giữ biên thuỳ phía Bắc. Theo sách “Việt Nam sử lược” của tác giả Trần Trọng Kim, thời điểm này, do ít quân nên ông Trần Quốc Tuấn không đánh nổi, lùi về đóng ở Sơn Tây.
Ba chục năm sau, trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287-1288), ông lại được đề bạt làm Tiết chế Thống lĩnh toàn quân và đã giành thắng lợi lẫy lừng, đánh tan quân Nguyên ra khỏi bờ cõi đất nước.
Bên cạnh tư tưởng quân sự kiệt xuất, Trần Quốc Tuấn còn nêu một tấm gương về lòng trung nghĩa sáng suốt, biết gạt bỏ mọi hiềm khích riêng để đoàn kết các tôn thất và tướng tá trong triều nhằm phò vua giúp nước, đánh bại kẻ thù.
Sử sách từng ghi lại câu nói nổi tiếng của ông với vua Trần Thánh Tông, khi đất nước đang lâm vào tình thế nghìn cân treo sợi tóc: “Xin bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi sau sẽ hàng”.
Cho đến trước khi chết ông vẫn ân cần dặn vua Trần Anh Tông trong mọi chính sách của nhà nước phong kiến phải biết “Nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.
Công viên Mê Linh hoàn thành với quy mô chỉnh trang gần 0,6ha, được thực hiện sửa chữa, nâng cấp nhằm tôn tạo đồng bộ cảnh quan cho kh vực, kết nối với cảnh quan công viên bến Bạch Đằng đến Cột cờ Thủ Ngữ.
Khuôn viên công viên được cải tạo lối đi, đường dạo bằng vật liệu đá granite, tăng thêm tiện ích ghế ngồi tại các khu vực tiểu cảnh, lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng, tăng cường mảng xanh và cải tạo cây xanh bóng mát cải thiện không gian sinh hoạt công cộng tại khu vực song vẫn đảm bảo giữ nguyên ý tưởng kiến trúc của công trình.
Theo ghi nhận của phóng viên Ngày Nay, việc lư hương của Đức thánh Trần được tái yên vị mang lại nhiều niềm vui cho người dân đến viếng tượng ngài. Tuy nhiên, một số người dân cho rằng nên có bậc thềm trước lư hương để việc thắp nhang được dễ dàng hơn.
"Lư hương vốn dĩ cao, lại đặt cao hơn 1 bậc so với nền khuôn viên nên bản thân tôi gặp khó khi thắp nhang cho ngài", chị Thanh Thúy (ở quận Gò vấp, TP.HCM) bày tỏ.
Vì lẽ đó, nhiều người phải bước lên bậc đặt lư hương mới có thể thắp nhang được. Trong tư thế này, vô tình làm giảm đinh sự kính cẩn đối với ngài.
Tượng Đức thánh Trần do họa sĩ Phạm Thông (1943-2016) tạo tác, được xây dựng từ năm 1966-1967. Đây là tượng Trần Hưng Đạo đầu tiên trên cả nước. Tượng cao 6m, được thiết kế theo hình tượng lưu truyền trong sử sách, tướng quân ra trận chỉ tay xuống dòng sông, nêu lời thề đanh thép:
"Đánh trận lần này nếu không thắng giặc sẽ không bao giờ trở về bến sông này nữa".
Bệ đặt tượng và chiếc hồ bán nguyệt dưới chân tượng cũng là một thiết kế tuyệt đẹp, làm nên khu vực tượng đài độc đáo. Bức tượng Trần Hưng Đạo được đặt trên một khối tam giác cao khoảng 10 mét. Mỗi mặt tam giác đều có các bức phù điêu lớn màu gạch son, kể lại điển tích ba lần nước Đại Việt đánh đuổi quân Nguyên Mông.
Dưới chân bệ đặt tượng là 6 bức phù điêu, mỗi mặt bệ là 2 bức. Từng bức phù điêu khắc họa nhiều chi tiết lịch sử được khảo cứu công phu. Thật xúc động khi người xem trông thấy hình ảnh các chiến sĩ đời Trần tự viết lên cánh tay hai chữ Sát Thát (giết giặc Thát) trước khi ra trận.
Kế đến, là cảnh các bô lão đại diện cho toàn dân dự hội nghị Diên Hồng hô to lời quyết chiến. Và rồi, hình ảnh trận Bạch Đằng hào hùng, các con thuyền nhỏ của quân ta dẫn dụ tàu chiến địch sa vào bãi cọc ngầm. Kết thúc là cảnh tượng đầy khí thế hào hùng, quân ta đuổi quân giặc tháo chạy.
Đặc biệt nhất, có một tấm phù điêu khắc họa đơn giản hình ảnh một đỉnh đốt trầm và một cây gươm, đi cùng một cuộn văn bản xưa đang tung mở. Chỉ vậy thôi, không cần ghi lời mà người xem có thể liên tưởng ngay đến Hịch tướng sĩ, một áng hùng văn đã đi vào tâm khảm của dân tộc.
Không ít người dân khi đi thể dục thể thao, bất ngờ vì lư hương của ngài được trở về chỗ cũ đã "vội vàng" viếng hương ngài.