Trước đây, khi Taliban cai trị Afghanistan, chính quyền đã áp đặt một loạt quy định nghiêm ngặt, cấm phụ nữ làm việc hoặc ra khỏi nhà mà không có người đi kèm là nam giới, không cho trẻ em gái đi học và công khai lăng mạ những người vi phạm quy tắc đạo đức.
Năm 1989, quân đội Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan để lại một khoảng trống quyền lực bất ổn tại quốc gia Trung Á này. Tới năm 1994, Taliban nổi lên từ một phong trào chống Liên Xô để trở thành một phe phái chính trị-quân sự lớn nhất Afghanistan.
Sau khi lên nắm quyền, các nhà lãnh đạo Taliban đã sử dụng các hình phạt tàn bạo trước công chúng, bao gồm cả đánh đập, cắt cụt chân và hành quyết hàng loạt, để buộc người dân tuân thủ Shariah.
Trong lần trở lại này, Taliban vẫn chưa cho biết họ sẽ áp dụng các quy định của Shariah như thế nào. Nhưng hàng triệu phụ nữ Afghanistan lo sợ thời kỳ đen tối trước đây sẽ trở về.
Khuôn mặt của phụ nữ trên các biểu quảng cáo ở Kabul bị bôi đen. Ảnh: AFP |
Dựa trên Kinh Qur'an, cùng với các câu chuyện về cuộc đời của nhà tiên tri Muhammad và các phán quyết của các học giả tôn giáo, tạo thành khuôn khổ đạo đức và pháp luật của đạo Hồi. Kinh Qur'an nêu chi tiết về con đường dẫn đến một cuộc sống đạo đức, nhưng không phải là một bộ luật cụ thể.
Một cách giải thích về Shariah có thể mang lại nhiều tự do cho phụ nữ, trong khi một cách giải thích khác có thể khiến phụ nữ bị tước đoạt nhiều quyền lợi. Các nhà phê bình cho rằng một số quy định của chính quyền Taliban đối với phụ nữ dưới vỏ bọc của Shariah thực sự đã vượt ra ngoài giới hạn của giáo điều.
Việc giải thích Shariah là một vấn đề gây tranh cãi trên toàn thế giới Hồi giáo, mỗi tổ chức và chính phủ khi xây dựng hệ thống pháp luật dựa trên Shariah đã có những cách giải thích khác nhau.
Khi Taliban nói rằng họ đang thiết lập Shariah, điều đó không có nghĩa là họ sẽ xây dựng luật pháp theo cách mà các học giả Hồi giáo hoặc chính quyền Hồi giáo khác đồng thuận.
Trong giai đoạn 1996-2001, Shariah theo cách giải thích của Taliban bao gồm một số tội cụ thể, chẳng hạn như trộm cắp và ngoại tình, và các hình phạt nếu hành vi phạm tội được chứng minh.
Ví dụ, phụ nữ bị tố ngoại tình sẽ bị ném đá công khai đến chết, hoặc nếu một phụ nữ bị phát hiện sơn móng tay, người đó có thể bị chặt ngón tay.
Nó cũng cung cấp hướng dẫn về đạo đức và tâm linh, chẳng hạn như khi nào và làm thế nào để cầu nguyện, hoặc kết hôn và ly hôn như thế nào. Chính quyền khi đó đã cấm truyền hình và nhiều hoạt động giải trí.
Việc hạn chế hành vi, trang phục và di chuyển đã được thực thi bởi các cảnh sát đạo đức, những người lái xe tải tuần tra đường phố, công khai làm nhục và đánh đòn những phụ nữ không tuân thủ Shariah.
Khi một quan chức cấp cao của Taliban trả lời phỏng vấn một nữ nhà báo truyền hình ở Kabul trong tuần qua, hành động này cho thấy Taliban muốn xây dựng một bộ mặt ôn hòa hơn với thế giới và người dân trong nước.
Một phát ngôn viên của Taliban nói rằng phụ nữ sẽ được phép làm việc và học tập, và một quan chức khác nói rằng phụ nữ sẽ được tham gia vào chính quyền, báo hiệu một sự đột phá trong quan niệm về vai trò của nữ giới theo quan điểm của Taliban.
Nhưng bên ngoài Kabul, một số phụ nữ được yêu cầu không được rời khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới hộ tống và Taliban đã ngăn không cho phụ nữ vào trường đại học. Họ cũng đã đóng cửa một số phòng khám dành cho phụ nữ và trường học dành cho trẻ em gái.
Hosna Jalil, cựu thứ trưởng phụ trách các vấn đề phụ nữ ở Afghanistan, cho rằng Taliban sẽ diễn giải Shariah theo cách khác.
“Luật Sharia đối với họ có nghĩa là thiếu tiếp cận giáo dục, hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế, không tiếp cận công lý, không nơi ở, không có an ninh lương thực, không có việc làm, theo nghĩa đen là không có gì", bà Jalil nói.