Dưới đây là trao đổi của luật sư Lê Cao - luật sư điều hành Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư Đà Nẵng) đến Ngày Nay, về thực tế vấn nạn giả thông tin về hàng hóa, dịch cũng như “phương án” ngăn chặn những sự vụ tương tự như thế này.
Nhiều sản phẩm tự khoác cho mình các vẻ đẹp giả tạo
Hiện nay, trên thực tế có những loại hàng hóa, thực phẩm được sản xuất giả bị xử lý hầu như đã có các chế tài, nếu khâu thực thi giám sát, xử lý được thực hiện công tâm, minh bạch và quyết liệt thì chúng ta có thể kiểm soát được.
Đồng thời, nếu khung pháp lý tạo nên một nền tảng nghiêm khắc hơn, coi việc sản xuất, cung ứng ra thị trường hàng giả là tội ác phải trừng phạt để bảo vệ người dân và quyết tâm trừng trị thì chúng ta mới có khả năng ngăn ngừa hàng hóa, dịch vụ giả dối, độc hại.
Ngoài vấn nạn hàng giả, thì có những sản phẩm không hẳn là giả, nhưng lại được hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm khoác lên các thông tin mập mờ, phóng đại để dẫn dụ, gây hiểu nhầm cho khách hàng.
Với các thủ đoạn dùng hình ảnh người nổi tiếng, mượn sự kết nối với cơ quan có thẩm quyền của nhà nước có uy tín, nhiều sản phẩm tự khoác cho mình các vẻ đẹp giả tạo với đủ loại chiêu trò mê chuộc niềm tin của khách hàng, điều này vô cùng nguy hiểm.
Thực phẩm giả, thuốc giả nếu người dân sử dụng thì hệ lụy sẽ vô cùng nguy hiểm, sức khỏe tính mạng của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực và nền tảng sức khỏe cộng đồng bị xâm hại.
Thế nhưng, chỉ vì tin tưởng, chỉ vì thiếu sự kiểm chứng khoa học, hàng triệu người dân sử dụng những sản phẩm mất tiền nhưng không mang lại hiệu quả nào trên thực tế. Các lợi ích thâu tóm được sẽ được ăn chia với nhau là kết quả của các chiêu trò quảng cáo gian dối.
![]() |
Hiện pháp luật có các quy định xử lý chế tài với các hành vi lừa dối khách hàng, quảng cáo gian dối, tuy nhiên trước nay phổ biến hầu như chỉ xử phạt hành chính là chủ yếu, Bộ Luật Hình sự hiện hành khi quy định xử lý các hành vi quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng chưa có những định lượng phù hợp với thực tiễn, nên trên thực tế các hành vi quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Chưa có định lượng rõ ràng
Trong lĩnh vực quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo thì hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ hoặc chất lượng, công dụng … đều được xem là các hành vi bị cấm.
Hiện nay, các hành vi này dù bị pháp luật cấm nhưng vẫn diễn ra khá phổ biến, thời gian qua hàng loạt vấn đề về quảng cáo gian dối, lợi dụng niềm tin của khách hàng trong nhiều trường hợp được xử lý nhưng vẫn khá ít trường hợp bị xử lý trách nhiệm hình sự, mới đây đã bắt đầu có những trường hợp xử lý nhưng vẫn khá khiêm tốn so với thực trạng quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng trên thực tế.
Theo chúng tôi, sở dĩ trong một thời gian khá dài có rất ít vụ việc quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng bị xử lý hình sự bởi các quy định hiện nay trong Bộ Luật hình sự chưa có định lượng rõ ràng và chưa chỉ rõ dấu hiệu cấu thành tội danh theo Điều 197 về tội quảng cáo gian dối, Điều 198 về tội lừa dối khách hàng.
Đối với tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự, thì cấu thành phải là trường hợp “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì mới bị xử lý. Nghĩa là thấy rõ quảng cáo gian dối rồi, nhưng chưa từng bị xử lý hành chính thì không thể xử lý hình sự được. Trong khi đó, trách nhiệm pháp lý xử lý hành chính rất nhẹ, ngay cả trách nhiệm khi xử lý hình sự cũng rất nhẹ, không đủ sức răn đe, vì chỉ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Đối với tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ Luật Hình sự, việc lừa dối khách hàng bằng các thủ đoạn gian dối khác chưa được làm rõ trong luật nên hiện nay vẫn chủ yếu tùy nghi xử lý, còn không phải khi nào lừa dối khách hàng cũng chỉ dừng lại ở các hành vi gian lận về cân, đo, đong, đếm bình thường.
Lừa dối khách hàng thời nay đâu chỉ là chuyện cân đo đong đếm như đã cũ, vì các công cụ đo lường hiện đại thì việc lừa dối đó khó mà không bị phát hiện.
![]() |
Lừa dối khách hàng hiện nay phải là các thủ đoạn quảng cáo, giới thiệu, thổi phồng về chất lượng, công dụng sản phẩm và các chiêu thức lợi dụng hình ảnh hào nhoáng của người nổi tiếng, lợi dụng ảnh hưởng của cơ quan có uy tín để làm màu cho các sản phẩm nhằm lừa dối khách hàng để trục lợi.
Các thủ đoạn gian dối ngày một tinh vi đổi khác nhưng Bộ Luật Hình sự vẫn chưa cụ thể hóa, làm rõ các dấu hiệu về thủ đoạn lừa dối khách hàng trên thực tế nên rất khó chứng minh.
Hơn nữa, về cấu thành tội lừa dối khách hàng thì cũng phải có một trong các điều kiện (i) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc (ii) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. Nếu không thuộc các trường hợp này thì thấy rõ lừa dối đó cũng không xử lý trách nhiệm hình sự được.
Với hiện trạng vi phạm pháp luật về hàng hóa, dịch vụ giả đang tràn lan như hiện nay, việc tạo dựng khung pháp lý nghiêm minh và triển khai thực thi các quy định một cách nghiêm túc, công minh thì mới hy vọng đạt được hiệu quả trong xử lý các sai phạm.
Do đó, ngoài việc triển khai xử lý trên thực tế, Bộ luật hình sự cũng cần được hoàn thiện để chống lại các hành vi có tính chất tội ác đang ngày ngày tác động tiêu cực nên sức khỏe cộng đồng người dân.
Quy định của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về việc xử lý hành vi quảng cáo gian dối và lừa dối khách hàng.
Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 198. Tội lừa dối khách hàng
1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.