Về khai báo thủ tục hải quan, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động rà soát, chuẩn bị đầy đủ các chứng từ, hồ sơ liên quan như giấy phép; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng hàng hóa… liên quan đến hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục phải có giấy phép hay đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật để khai báo hải quan chính xác, đầy đủ.
Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên đối chiếu, kiểm tra trước hồ sơ, chứng từ khai hải quan để khai báo chính xác về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ, mã số, thuế suất… theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, trong trường hợp chưa rõ bản chất hay chưa đủ thông tin để áp mã số thuế, doanh nghiệp có thể đề nghị với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xem trước hàng hóa hay đề nghị Tổng cục Hải quan xác định trước mã số thuế trước khi khai báo làm thủ tục.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đối chiếu, kiểm tra chính sách quản lý về hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách thuế hay thông tin hàng hóa đã khai báo… để kịp thời khai bổ sung trong thời gian được quy định khi phát hiện có sai sót, nhầm lẫn.
Về khai báo hồ sơ, báo cáo thuế, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát tất cả các loại hồ sơ, báo cáo về thuế phát sinh và thời hạn phải nộp cho từng loại hồ sơ, báo cáo để khai báo chính xác và nộp cho cơ quan Hải quan trong thời hạn được quy định. Đồng thời rà soát, đối chiếu số liệu báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mà người khai hải quan, người nộp thuế đã khai báo để tự phát hiện và khai bổ sung kịp thời khi có sai sót, không phù hợp với số liệu kế toán trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày nộp báo cáo.
Đối với việc sử dụng, quản lý hàng hóa thuộc diện miễn thuế, doanh nghiệp cần theo dõi, quản lý và sử dụng đúng mục đích hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế đã khai báo; kịp thời khai báo với cơ quan Hải quan trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, cần tổ chức quản lý, theo dõi xuất – nhập – tổng nguyên liệu, vật tư, sản phẩm trên hệ thống sổ sách kế toán theo quy định và theo nguồn nhập khẩu hoặc mua trong nước. Xác định chính xác định mức thực tế về nguyên liệu, vật tư phù hợp số liệu đã khai báo trên tờ khai hải quan.
Trên cơ sở đó, doanh nghiệp thực hiện và hoàn thành các thủ tục về xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm; sản phẩm gia công; máy móc thiết bị thuê mượn đúng thời hạn và phương án xử lý của hợp đồng gia công. Đồng thời khai báo và nộp thuế GTGT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường (nếu có) trước khi tiêu thụ nội địa phế liệu, phế phẩm phát sinh trong sản xuất loại hình nhập sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất.