Nguồn gốc quan niệm
Sở dĩ người Việt có quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là bởi vì xưa kia, trong cơ cấu nghề nghiệp nước ta, nông dân là đại bộ phận, chiếm đến hơn 90%. Đặc điểm của nghề nông là công việc theo thời vụ. Có lúc đầu tắt mặt tối nhưng có lúc lại chẳng có việc gì.
Theo cơ cấu mùa vụ đó, tháng Giêng là tháng còn tương đối nhàn rỗi, người dân chưa phải tất bật với công việc. Do vậy người ta mới mở hội hè. Để chứng minh điều này, trong sách "Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm", cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phân tích rất kỹ.
Ông viết: “Con người ngày trước, trong nền văn minh nông nghiệp, trong tổ chức xã hội xóm làng, sống và điều khiển nhịp điệu sống sát với chu kỳ sinh trưởng của thế giới cỏ cây. Mà cỏ cây thì “xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng”. Mùa xuân, cây cỏ nảy lá, đâm chồi, vì “tháng Giêng rét đài, tháng hai rét lộc” rồi sang hè thì nở hoa, sang thu lại ngậm đòng, kết trái, để cho con người bước vào mùa hái lượm, và qua cái Tết cơm mới tháng 10 mà vào đông... Cho nên thời gian, theo quan niệm của nông dân, có thể gọi là “thời gian nông thôn” – một thời gian chu kỳ gồm nhiều thời đoạn trải ra trên chu kỳ đó.
Nông dân khi trước, và cả khi nay nữa, không có và không thể nghỉ hàng tuần như công nhân viên chức. Công việc đồng áng không cho phép ngắt quãng thời gian, đan xen thời gian làm việc và thời gian rỗi rãi một cách máy móc như vậy. “Nhất thì, nhì thục”, lao động nông nghiệp, lối sống nông dân phải nương tựa vào thời tiết, phải theo mùa, không thể rập khuôn lối sống thị thành theo “giờ hành chính”. Ít nhất cũng cho đến nay, lối làm ăn, lối sống nông nghiệp chỉ cho phép nghỉ vụ, nghỉ mùa, tức tạm nghỉ giữa hai chu kỳ sản xuất, nghỉ theo thời vụ (không kể những ngày nghỉ đột xuất vì gió bão, lụt lội). Cho nên nếu trong tự nhiên, xuân – thu chỉ là hai mùa chuyển tiếp tương đối ngắn ngủi giữa đông và hạ, giữa hai thời của chu kỳ khí hậu nóng – lạnh thì xuân thu nhị kỳ trong nông lịch cổ truyền cũng là hai thời buổi nông nhàn ngắn ngủi của đông đảo nông dân ngày trước.
Hội xuân, hội thu có nhiều cách gọi: tết, lễ, hội hay rộng hơn gọi là hội hè – đình đám, là một cách sử dụng thời gian nông nhàn theo mùa, theo vụ. Nhịp sống xóm làng xưa, điệu sống canh nông cổ truyền thiết yếu dựa trên một chu kỳ bao gồm lao động và lễ hội, hai hiện tượng xã hội luân phiên nhau trong không gian và thời gian của thôn xóm. Mùa này sang mùa khác, khi công việc nhà nông đã tương đối “nên công hoàn toàn”, ta tạm nghỉ vài hôm, làm cỗ cúng tổ tiên – thờ cúng tổ tiên vốn là tín ngưỡng sâu thẳm nhất của tâm thức nông dân”.
Tâm lý ăn bù chơi bù
Cũng đồng quan điểm như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, Phó Giáo sư Trần Ngọc Thêm, trong cuốn "Cơ sở văn hóa Việt Nam" nhận xét rằng: “Nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, lúc có việc thì tối tăm mặt mũi, ngay miếng ăn cũng đại khái cốt được việc thì thôi, cho nên lúc rảnh rỗi, người nông nghiệp có tâm lý chơi bù, ăn bù. Vì vậy mà ở Việt Nam, tết nhất đã nhiều, hội hè cũng lắm. Các ngày lễ tết được phân bố theo thời gian trong năm, xen vào các khoảng trống trong lịch thời vụ. Chữ “tết” là biến âm từ chữ “tiết” mà ra. Lễ tết phải gồm hai phần: cúng tổ tiên và ăn uống bù cho lúc làm lụng đầu tắt mặt tối”.
Bên cạnh đó, ông cũng nêu thêm một nhận định rằng việc ăn chơi suốt tháng giêng của người Việt cũng có phần liên quan đến quan niệm coi trọng sự việc ban đầu. Ông viết: “Không chỉ có ngày đầu năm mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng, thêm vào đó, tháng này công việc lại ít nên tháng Giêng có nhiều tết hơn hẳn các tháng khác. Bởi thế dân gian ta có các câu: “tháng Giêng là tháng ăn chơi” hoặc “tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc”. Quả thật trong tháng giêng có rất nhiều dịp lễ hội. Ngoài tết Nguyên Đán còn có dịp cúng rằm tháng giêng hay còn gọi là tết Thượng Nguyên. Ngày này cũng là ngày vía của phật A Di Đà cho nên người ta mới nói rằng “lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng”.
Như vậy quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” vốn xuất phát từ cơ sở của xã hội nông nghiệp và tính thời vụ của nông nghiệp tạo nên. Tuy nhiên thời nay, cơ cấu nghề nghiệp nước ta đang có nhiều thay đổi, tỉ lệ nông dân đang ít dần đi, công nhân viên chức và người làm dịch vụ đang tăng dần lên. Do vậy quan niệm này cũng đang ít nhiều thay đổi.
Mặt khác chính bản thân người nông dân ngày nay có khi chỉ mồng 4, mồng 5 tết đã đến lịch gieo cấy nên họ cũng không còn rảnh rang nhàn hạ như trước. Trái lại chính những công nhân viên chức mới uể oải với công việc trong tháng giêng. Trong mấy năm qua, mỗi dịp tháng giêng, báo chí lại phản ánh tình trạng công sở vắng hoe vì mọi người đi hội hè hết, rồi thêm cả chuyện lấy xe công để đi lễ đi hội đầu năm.
Theo Kiến thức