Khi tay ném bóng Raven Saunders, một nữ vận động viên (VĐV) da đen thuộc cộng đồng LGBT giành được huy chương bạc, cô đã thực hiện động tác bắt chéo tay trên bục nhận huy chương. Trên trang cá nhân, Saunders cho biết cử chỉ của cô là để ủng hộ những người bị áp bức, Saunders cho biết cô sẽ tiếp tục nỗ lực để truyền cảm hứng và động lực cho cộng đồng LGBTQ, người Mỹ gốc Phi, người da đen trên toàn thế giới và những người đang vật lộn với sức khỏe tâm thần.
Có hai cách mà chúng ta có thể mong đợi Thế vận hội tiếp nhận điều này. Ở kịch bản đầu tiên, IOC sẽ hành động đúng theo thông điệp xuyên suốt “xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn” thông qua thể thao. Chủ tịch IOC, Thomas Bach, cựu VĐV từng giành huy chương Olympic, đã bày tỏ lòng tin về “ma thuật” của Thế vận hội sẽ giúp thúc đẩy hòa bình và tiến bộ. Và rõ ràng, cử chỉ của Raven Saunders không đi được lại với sứ mệnh hòa bình này của Olympic.
Thế nhưng, Saunders cũng như rất nhiều trường hợp VĐV trước đây, đang bị điều tra về việc vi phạm các quy tắc, mặc dù IOC thông báo rằng họ đã đình chỉ quá trình điều tra trong thời gian này, sau khi xem xét việc mẹ của Saunders qua đời.
Trước thềm Tokyo 2020, IOC đã nới lỏng Quy tắc 50 - "Không được phép biểu tình hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc ở bất kỳ địa điểm, địa điểm tổ chức Thế vận hội Olympic hoặc các khu vực khác". Theo đó, tổ chức này cho phép các VĐV thực hiện các cử chỉ trên sân, miễn là không làm gián đoạn cuộc thi đấu và trên nguyên tắc tôn trọng các đối thủ khác. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt vẫn có thể được áp đặt nếu có bất kỳ hành động biểu tình nào xuất hiện trên bục trao huy chương.
IOC đang loay hoay với việc tìm ra phương thức đảm bảo "tính trung lập về chính trị"
Năm 1968, IOC từng áp đặt lệnh trừng phạt lên hai VĐV John Carlos và Tommie Smith, môn Điền kinh nội dung 200m, sau khi họ cúi đầu thấp và đưa những nắm đấm găng tay đen lên bầu trời của Mexico, được xem như một tuyên bố mang tính biểu tượng về chống phân biệt chủng tộc và giải phóng người da đen cho mọi thời đại.
Dưới áp lực của IOC, Ủy ban Olympic Hoa Kỳ đã đưa tên hai VĐV ra khỏi danh sách thi đấu. Thậm chí, hai VĐV đã phải đối mặt với nguy hiểm đe dọa tính mạng và tẩy chay diện rộng khi quay về Hoa Kỳ. Tuy nhiên, IOC chưa bao giờ chính thức xin lỗi Carlos và Smith, cũng như cả thế giới vì đã can thiệp vào cuộc đấu tranh vì bình đẳng của họ.
Tommie Smith và John Carlos (giữa và phải) cùng đứng trên bục vinh quang vào năm 1968 cùng với Peter Norman. (Ảnh: Bettmann) |
Thậm chí hiện tại, IOC còn sẵn sàng miêu tả vụ việc năm 1968 như “một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử Thế vận hội Olympic hiện đại”. Bất chấp việc đã nhận sự trừng phạt từ Ủy ban, cử chỉ của hai VĐV giờ dường như lại có công dụng để củng cố thương hiệu Olympic.
Năm 1976, bản thân Thomas Bach từng tham dự Thế vận hội đầu tiên của mình ở Montreal với tư cách là một VĐV trẻ đầy triển vọng. Từ lời kể của ông, các VĐV châu Phi buộc phải rời bỏ Olympic ngay trước giờ khai cuộc vì chính phủ của họ bất ngờ tẩy chay sự kiện thể thao này. “Tôi đã thấy các VĐV nữ không kìm được nước mắt, còn VĐV nam thì cúi đầu một cách tuyệt vọng. Ám ảnh về việc chính trị có thể tàn phá giấc mơ Olympic khủng khiếp đến nhường nào vẫn còn đeo bám tôi cho tới tận ngày hôm nay”, Chủ tịch IOC chia sẻ.
Tuy nhiên, Bach không đề cập đến việc các quốc gia này đã rút lui trong một cuộc biểu tình nhằm tẩy chay Nam Phi theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nếu Chủ tịch IOC quan tâm đến những cơ hội dành cho người châu Phi, ông có thể lưu ý rằng các cuộc tẩy chay thể thao chống lại Nam Phi là một trong những cách hiệu quả nhất trong việc đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ phân biệt chủng tộc, vốn đã tước đi các quyền cơ bản nhất của hàng triệu người da đen.
Quay trở về năm 2020, IOC và các nhà tổ chức Tokyo 2020 đã có một pha lật ngược lập trường của mình. Tờ Guardian tiết lộ rằng họ đã nhận được thông báo phản đối việc hiển thị những hình ảnh các vận động viên quỳ gối phản đối phân biệt chủng tộc, chỉ vài giờ trước trận đấu bóng đá nữ đầu tiên của Đội GB với Chile.
Vì vậy, trong ngày thi đấu đầu tiên, không có một cảnh quay nào về các VĐV thực hiện hành động quỳ gối xuất hiện trên các trang tin chính thức, bao gồm Facebook, Twitter hoặc Instagram) của Tokyo 2020, mặc dù các cầu thủ Mỹ, Thụy Điển hay New Zealand đều quỳ gối để phản đối phân biệt chủng tộc.
Tuy nhiên, vào ngày hôm sau, tài khoản Twitter @Olympics đã đăng tải một bức ảnh Lucy Bronze đang quỳ gối, cùng thông điệp: “Sự kiện Thể thao lớn nhất đã chính thức khai cuộc ngày hôm qua. Điểm tin nổi bật: Nhật Bản khởi đầu mạnh mẽ ở môn bóng mềm. Cầu thủ các đội đã quỳ gối trước trận đấu.”
Tài khoản Twitter chính thức của Thế vận hội đã đăng một bức ảnh chụp Lucy Bronze quỳ gối trong trận đấu với Chile. (Ảnh: Masashi Hara) |
Nhiều người đã đặt câu hỏi về lập trường kỳ quặc của IOC vì tổ chức này khi thì tôn vinh những bức ảnh biểu tượng về các cuộc biểu tình - bao gồm vụ việc của Tommie Smith và John Carlos năm 1968, khi khác lại đưa ra những nước đi truyền thông khó hiểu.
Tuyên bố Nhân quyền hay Tuyên bố Chính trị?
Theo thời gian, dường như việc IOC tỏ ra “trung lập” về các vấn đề áp bức hầu như không đem lại được kết quả tốt hơn hay khiến thế giới trở nên hòa bình hơn.
Trong năm 2021, Saunders vẫn bị điều tra, mặc dù lệnh điều tra đang bị "đình chỉ", với lý do vi phạm các quy tắc. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi IOC sẽ xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn ra sao, nếu tổ chức này không hoan nghênh các vận động viên bày tỏ sự ủng hộ đối với công bằng và tiến bộ nhân loại.
Chúng tôi (Thế vận hội) là sự kiện duy nhất kết nối cả thế giới lại với nhau trong một cuộc thi đấu hòa bình. Tôi yêu cầu họ [chính trị gia và các vận động viên] tôn trọng nhiệm vụ của Thế vận hội Olympic, và để hoàn thành sứ mệnh này, chúng ta phải đạt được tính trung lập về chính trị. Nếu không, tất cả chúng ta sẽ có cái kết nhuốm màu chia rẽ và tẩy chay. Tôi yêu cầu họ phải tôn trọng tính trung lập về chính trị bằng cách không sử dụng [Olympic] như một sân khấu cho các mục đích chính trị.
Thomas Bach, Chủ tích Ủy ban Olympic Quốc tế IOC
Thế nhưng, phong trào nổi tiếng Black Lives Matter hay bất kỳ chiến dịch chống lại bạo lực và phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người da đen hoặc với mọi nhóm người đa dạng, không phải một tuyên ngôn mang màu sắc Chính trị, mà là một tuyên bố về Nhân quyền.
Race Imboden quỳ trên bục nhận huy chương tại Thế vận hội Lima 2019. (Ảnh: Juan Ponce) |
Lịch sử Olympic ghi nhận rất nhiều trường hợp VĐV, những người có quan điểm ủng hộ nhân quyền và bình đẳng xã hội, đã coi đấu trường Olympic và Paralympic là diễn đàn hiệu quả để truyền đi thông điệp vì một thế giới tốt đẹp. Tình trạng trên ngày càng gia tăng kể từ sau cái chết của George Floyd và phong trào Black Lives Matter diễn ra rộng khắp toàn cầu.
Trong một Thế vận hội khu vực diễn ra tại châu Mỹ năm 2019, VĐV ném búa Gwen Berry và ngôi sao đấu kiếm Race Imboden đều có hành động biểu tình trên bục nhận huy chương để chống lại sự bất công xã hội. Berry giơ một nắm đấm siết chặt, còn Imboden thì quỳ trên bục.
Nữ VĐV Điền kinh Diana Asher-Smith bày tỏ quan điểm việc IOC xử phạt bất kỳ VĐV nào phản đối phân biệt chủng tộc tại Tokyo 2020 là sai lầm. (Ảnh: Chris Cooper/Action Plus) |
Tại Tokyo 2020, Asher-Smith mạnh mẽ khẳng định: “Phản đối và thể hiện bản thân là quyền cơ bản của con người", và thật vô lý nếu bất cứ ai bị xử phạt hay thu hồi huy chương chỉ vì họ đứng lên chống lại sự bất bình đẳng xã hội, cụ thể là bất bình đẳng chủng tộc.
Có thể nói, tuy đã rất nỗ lực để giữ cho sân chơi lớn không bị nhuốm màu chính trị, nhưng tới cuối cùng, IOC một mặt vẫn không thể thoát ra khỏi "trò chơi vương quyền" giữa các quốc gia, mặt khác tiếp tục bị giam vào vòng xoáy phản đối của những nhà bảo vệ nhân quyền.