1.
Chiềng Đi tháng 6 năm 2023.
Một lễ hội lớn chưa từng có đang diễn ra ở vùng biên ải xa xôi này: Lễ hội kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) với rất nhiều hoạt động nghệ thuật mang cái tên chung: Vân Hồ - Dòng chảy ý tưởng
Lần đầu tiên giữa núi rừng Tây Bắc có màn biểu diễn nghệ thuật “thực cảnh,hình thức thể hiện hấp dẫn nhất, có tính kết nối truyền thống với đương đại.
“Dựa theo một truyền thuyết của người Mông tại địa phương về 10 mặt trời và 9 mặt trăng, sân khấu thực cảnh của chúng tôi sẽ lấy người dân làm chủ đạo, các nghệ sĩ như ngọn nến để làm nổi bật ý tưởng của chương trình. Đây sẽ trở thành cuộc đối thoại của những người làm nghệ thuật trong không gian kết hợp giữa truyền thống và đương đại”, NS múa Trần Ly Ly, tổng đạo diễn chương trình chia sẻ.
Lễ Hội Vân Hồ - dòng chảy thời gian. |
Những "ngôi sao hạng A" của dòng âm nhạc đích thực không hẹn mà rủ nhau lên Vân Hồ cùng dịp này: nghệ sĩ, nhạc sĩ như Lưu Hà An, Đặng Tuệ Nguyên, NSND Đào Trung, Quyền Thiện Đắc, Trần Xuân Hòa; các ca sĩ Khánh Linh, Ngọc Khuê, Hà Lê; nhóm nhạc Trịnh Minh Hiền, Trí Minh… cùng sự tham gia của hơn 500 nghệ nhân, diễn viên quần chúng huyện Vân Hồ.
Lần đầu tiên đồng bào các dân tộc ở đây được chào cờ trong tiếng violin tha thiết của nghệ sỹ vĩ cầm lừng danh Trịnh Minh Hiền, họ cũng là những khán giả đầu tiên của tác phẩm “Trăng đã lên rồi ơi Chiềng Đi” của nghệ sĩ Phó An My, NSND Đào Trung, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, Trần Xuân Hòa.
Và cũng lần đầu tiên các chiến sỹ biên phòng ở “cửa khẩu ma tuý” khét tiếng Lóng Sập được nghe những âm thanh khoáng đạt, cực kỳ hiện đại mà vẫn quá đỗi thân quen của dàn nghệ sỹ thượng thặng từ Thủ đô dưới sự dàn dựng của DJ nổi tiếng Trí Minh.
Họ chơi say sưa trước quảng trường-chợ Lóng Sập mà khán giả là các chiến sỹ cùng bà con Mông- Dao-Mường đi chợ.
Ngồi lẫn trong dòng người xem đêm Lễ hội "Dòng chảy ý tưởng", có đại tướng Tô Lâm, người từng có thời gian dài "bám trụ" với vùng biên ải này. Ít ai biết, trong ngày lễ kỷ niệm thành lập một huyện nhỏ xa xôi, lại có một vị UV BCT về dự và ngồi thưởng thức hết một chương trình nghệ thuật độc, lạ như thế.
Đằng sau tất cả những âm thanh kỳ diệu trong trẻo và ánh sáng rực rỡ huyền bí ấy, là mái đầu xù bù rối, dáng vẻ vừa tất bật vừa bất cần của Phó An My.
Chị đã từ phố lên rừng 10 năm nay, đi về giữa Hà Nội và Chiềng Đi, để chắt ra được những gì tuyệt vời nhất của núi rừng, mời bạn bè lên biểu diễn chiêu đãi chính bà con dân bản như một sự tri ân.
2.
Truyện Trương Chi
“Lúc ấy tôi mới về nước được vài tuần, còn đang ngỡ ngàng như Từ Thức về làng. Anh đãi tôi một chầu bia hơi, rồi mời tôi về căn nhà anh đã xây lại thành mấy tầng lầu. Trong nhà bày nhiều bình bát cũ mới, một số gươm đao thật giả lẫn lộn, nhiều tượng gốm và tranh vẽ cảnh yêu đương. Người vợ trẻ có vẻ khép nép. Cậu con trai có gia sư đến kèm học tiếng Anh. Chị vợ nướng bánh mỳ phết bơ cho chúng tôi ăn lúc đã khuya.
Anh hát, hoặc vặn CD cho tôi nghe những bài anh viết trong những năm tôi xa nhà. Có bài Trương Chi, nghe sân hận, bất cần, khác hẳn với hình tượng Trương Chi giản dị trong tích truyện xưa. Nhiều bài khác kín đáo bày tỏ tâm tư sâu kín của anh về thời cuộc. Lại có những bài muốn tỏ cái tâm hướng về hư vô. Lối hát thường giữ theo lề thói ca trù và dân gian chứ không theo lối Tây như phần đông các ca khúc mới bây giờ.
Tôi tò mò ngồi nghe cho đến gần một giờ sáng thì anh bảo, à, còn bài này nữa. Và đó chính là bài hát khiến tôi có được mẩu chuyện này. Một bài hát giản dị: “Con sông quê tôi, nước như làn da mầu hồng, ông bà cha mẹ vẫn gọi là dòng sông Cái. Cây lúa cây nhãn lớn lên trên đất sa bồi, ngọt ngào như chẳng thấy ở đâu... Còn tôi, tuổi xuân mênh mông bốn phương trời, mải mê những bến bờ xa xôi, bỗng một chiều đứng chết lặng bên dòng sông Cái... Gió sông mẹ lại thổi trong lòng tôi... Gió cánh buồm lồng lộng hồn quê...”.
Tôi không kìm được nước mắt. Đêm như mở ra, rạng rỡ một tâm trạng yên bình. Anh vẫn thực là chàng Trương Chi mà tôi vẫn biết, chàng Trương Chi với mảnh hồn yêu giản dị, chung thuỷ, không oán hận, không thèm muốn gì khác ngoài việc hát lên tấm tình ngàn đời, tấm tình sống mãi trong hồn cây cỏ và sông nước, bên trên những biến thiên vụn vặt của thế sự tham lam. Anh đã cho tôi thấy lại hồn quê, thấy lại vạt cỏ xanh mà tôi đã rời xa bấy nhiêu năm ngay tự trong tâm tưởng.
Anh đề tặng tôi cái CD đó: “Chút sản vật quê, tặng người quê mình”. Tôi nói với anh lúc chia tay sáng sớm hôm sau: mình đã gặp bao nhiêu người, ai cũng chỉ hỏi chuyện tiền nong đất cát làm ăn, còn cậu chỉ hát cho mình nghe, và với bài hát suýt nữa thì quên ấy, cậu đã giúp mình đặt được chân xuống mảnh đất này.
Sau đó, tôi mới biết anh đang là tác giả rất nổi tiếng. Hồn quê quả thực là một cái gì đó không thể mai một được. Tâm mình có liên lạc được với cái hồn quê mênh mang kia thì cuộc đời mới tiết lộ lí do của nó. Bổn phận là ở mình, chứ đâu ở quê hương”.
Những dòng chữ ăm ắp nỗi niềm và sự tự vấn ấy là của dịch giả - hoạ sỹ Trịnh Lữ viết về nhạc sỹ Phó Đức Phương.
Ông Lữ là em trai bà Trịnh Thị An, ông Phương là em trai ông Phó Đức Vạn. Ông Phó Đức Vạn kết hôn với bà Trịnh Thị An, ông Lữ với ông Phương tự nhiên lại có một thứ ràng buộc ruột rà rất là Hà Nội.
Người Hà Nội cũ biết thương hiệu nội thất Memo của hoạ sỹ - doanh nhân Trịnh Hữu Ngọc (cụ thân sinh ông Trịnh Lữ - tên thật Trịnh Hữu Tuấn, bà An, cùng với 11 người con trai con gái khác) thì cũng mãi mãi ghi nhớ hình ảnh chí sỹ yêu nước Phó Đức Chính lên máy chém cùng những người đồng chí Nguyễn Thái Học và các anh em khác. Tất cả đều bị nằm sấp dưới lưỡi dao, đến lượt Phó Đức Chính, ông nhất định nằm nửa, mắt mở trừng trừng nhìn lưỡi dao phập xuống.
Phó Đức Phương, người gọi Phó Đức Chính là chú ruột, từng nói với người viết: họ nhà tôi lạ lắm, mỗi người điên một kiểu, nhưng ai cũng điên hiền.
Chắc thế, nên ông Vạn mới nuôi dưỡng Phó Đức Tùng và Phó An My theo cách mà hai anh em họ muốn : tự do sáng tạo đến tận cùng của bản ngã, để cho ra đời những thành phẩm hết sức lạ lùng, ai trót yêu sẽ không dứt ra được
3.
“Trận bom cuối cùng Mỹ gây áp lực với Việt Nam vào cuối năm 1972. Tôi nằm trong hầm, trong tiếng bom đạn thét gào có một tiếng bom lớn nhất. Sáng hôm sau mới biết nó ném một quả 500 cân xuống phố Quan Thánh (ngày xưa vẫn gọi là “Quan”, cho tôi được gọi theo ngày xưa).
Mấy hôm sau nữa mới biết quả bom đó rơi trước cửa nhà họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc. Bố anh Trịnh Lữ, anh Trịnh Tú và pianist Trịnh Thị Nhàn.
69 năm về trước (10/10/1954), Trịnh Hữu Ngọc mang đồ vẽ ra trực hoạ cảnh đầu phố Hàng Đào. Trích "Hoạ sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương". |
Nhà Bác Ngọc thành cảnh hoang tàn.
Nhà anh Phan Vũ đâu cũng giáp đấy. Phố Châu Long hay Cửa Bắc gì đó. Anh Phan Vũ “gã đầu trần thơ thẩn đường mưa” thường đứng vỉa hè nghe Nhàn chơi piano. Cũng có người nói anh mê Nhàn. Không biết có đúng không, chỉ biết mấy hôm sau anh đến nhà tôi, đọc cho anh Hồng “ Em ơi Hà Nội phố” . Trong đó có nhắc đến đến tiếng dương cầm của Nhàn.
Tôi ngồi hóng nghe thơ. Chưa biết hay là gì, chỉ trố mắt nhìn anh Vũ, hỏi ngơ ngẩn: “Thơ của anh làm á?”. Chị Phi Nga, vợ anh cười cười: “Sao hả Tuấn”, “Em cứ tưởng của ai ở xa viết hồi ức cơ”. Anh Hồng xua tay “Cái thằng này”…
Đêm nằm tôi không nhớ gì về bài thơ vì nó dài quá. Ấn tượng rõ nhất là cứ gật gù bái phục, từ EM vừa gần gũi vừa trừu tượng, lại thêm chữ Phố nữa, hay quá”.
Thêm một hồi ức ngọt ngào về Hà Nội thời đẹp đẽ bi tráng, có liên quan đến những người con trong gia đình cụ Ngọc - là của một ông Tuấn khác - nhà quay phim, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn. Ông nhắc đến "mối tình phố" đã trở nên bất hủ của chàng lãng tử quá cố với tay pianist Trịnh Thị Nhàn.
Về Trịnh Thị Nhàn, không chỉ lưu gót hài xanh trong "Em ơi, Hà Nội Phố" của Phan Vũ với "mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ", bà còn thánh thót trong "24 phím cầm chiều" của Dương Tường, để sau này Phú Quang đưa cả hai bài thơ thành những ca khúc không thể không nghe khi nhớ về Hà Nội.
Hoạ sỹ Trịnh Thị Nhã, em gái út của bà Nhàn kể lại: con nhà tư sản nên chúng tôi không thể vào Đại học. Nhưng do cụ Ngọc nhận làm nội thất cho chuyên cơ của Bác Hồ, Bác rất ưng ý nên các chú mới hỏi: còn trường Mỏ, các cháu có muốn học không?
Bà Nhàn và ông Tuấn chỉ có thể theo học trường mỏ, 2 anh em học cùng trường luôn. Ông Tuấn còn không tốt nghiệp nổi do bướng không chịu đi thực tập chứ bà Nhàn theo đủ 4 năm khoa tuyển khoáng.
Bà Nhàn sơ tán trường mỏ trên Dâu Keo, tôi đạp xe lên tiếp tế cho chị gái, mới biết ở trường có chú Công an tên là Chu rất tốt, gây dựng đội SV văn nghệ: ông Tuấn, Nguyễn Cường... (sau này là ông nhạc sỹ nổi tiếng về Tây nguyên) đều được kéo vào chơi đàn, hát... Nhưng bà Nhàn thì không sinh hoạt quần chúng được, ông Chu phải về Hà Nội mua đàn piano (cũ thôi nhưng còn tốt) mang lên cho bà chơi. Tết năm ấy, trong cái giá rét mùa đông trung du Bắc Bộ, tôi nghe chị gái đàn mà ứa nước mắt. Cậu con chủ nhà nghe đàn còn dúi cho nắm xôi, như kiểu bảo chị ăn đi cho ấm bụng. Sau này chị tôi bảo :"nó phải hiểu tao lắm, lúc ấy tao rất chán đời".
Mà lúc ấy không chán đời sao được. Đàn hay nức tiếng như chị gái tôi mà Thi Nhạc viện từ trung cấp lên Đại học 3 lần đều rớt.
Sáng chị thi rớt thì tối đó, cũng Nocturnes của Chopin, chị chơi lại ở 51 Trần Hưng Đạo, tôi ngồi nghe nước mắt trào ra vì thương chị, Phan Vũ và Dương Tường đều biết chị thi trượt, họ vừa nghe vừa khóc. Ai cũng hiểu vì sao chị không thể đậu. Nhưng đúng là tiếng đàn của chị đã đưa chị đi xa hơn những gì người ta muốn.
GS Isaac Katz (người Liên xô gốc Do Thái) được cử sang Nhạc viện HN bồi dưỡng Đặng Thái Sơn, nghe Nhàn đàn vọng sang từ giảng đường bên cạnh đã lên tiếng: đây mới là sinh viên cần phải được đào tạo chuyên sâu ở bậc cao hơn!
Và con đường ra thế giới của “24 phím cầm chiều” bắt đầu như thế.
Nhưng bà Nhã vẫn nhắc lại: gia đình biết ơn "chú Chu" lắm. Ở đâu và lúc nào cũng có những người tận tuỵ âm thầm như vậy.
4.
Tiết Ngâu năm 2022, người con trai út của cụ Ngọc, hoạ sỹ Trịnh Tú ra đi sau một năm dài chống chọi với căn bệnh ung thư.
Trong đám tang ông Tú, KTS Hoàng Đạo Kính thẫn thờ: “Hà Nội ngày càng vắng người "hay" nhỉ! Tiễn Tú xong cứ thấy phố vợi hẳn đi".
Ông Kính là con trai cụ Hoàng Đạo Thuý, nhiều người biết, nhưng ít người biết anh cả ông Kính là ông Hoàng Đạo Hùng lập gia đình với bà Trịnh Thị Nhạn - chị cả của ông Tú. Vậy là cụ Trịnh Hữu Ngọc thông gia với cụ Hoàng Đạo Thuý. Lại một mối thâm giao ràng buộc giữa gia đình một thủ lĩnh hướng đạo sinh với một vị thiền sư. Cụ Ngọc còn nổi tiếng với việc hành thiền
Những mối quan hệ giằng néo như vậy rất quen thuộc giữa các dòng họ lớn ở Hà nội, nếu vẽ phả hệ, nó sẽ chằng chịt như bộ rễ của một cổ thụ rừng nhiệt đới
Nhưng trong cái chằng chịt ấy, bao giờ cũng có những người thảnh thơi nhởn nhơ đi lại, như dạo chơi trong cuộc đời này, như Trịnh Tú.
Bị buộc thôi học ở năm thứ 2 trường Mỹ thuật do tham gia vào một vụ vẽ thuê tranh Thánh cho Nhà thờ, chàng sinh viên Trịnh Tú thấy mọi cánh cửa vài đời sập ngay trước mặt. GS Tôn Thất Tùng, một người thân của cụ Ngọc xin cho anh một chân vẽ giải phẫu Pháp y, gọi là có tí liên quan đến nghề. Rồi dần dần anh trở thành "thư ký cụ Tùng". Kiến thức y học của anh phát huy triệt để ở chỗ bất kỳ bạn bè thân bằng cố hữu hàng xóm láng giềng quen sơ biết mặt nghe tên gì có bệnh, cần đi viện , mổ, sinh con... là anh lập tức biết cần gọi ngay cho ai trong số hàng ngàn học trò, cấp dưới cụ Tùng : “Anh ơi, Tú có người bạn”, “B à, mẹ đứa bạn Tú ...”, quá đáng hơn, kho thuốc hay tủ rượu của GS Tùng đều bị Trịnh Tú "đột kích" để chia cho bạn bè, anh em.
Trịnh Cẩm Nhi - con gái hoạ sỹ Trịnh Tú, trong một--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- triển lãm cá nhân của cô ấy. |
Cứ như thế, Tú sống và vẽ, như một mảnh hồn Hà Nội, phơ phất mãi trên phố Quan Thánh có 93 gốc hoa sữa, trên vỉa hè Thợ Nhuộm mà lần nào đi qua Tú cũng giơ tay chỉ “ấu thơ tao”, trên triền đê Yên Phụ mà mỗi chiều sương giăng tím sẫm, Tú lại vu vơ nói: “hồi bé từ nhà lên cái lều vẽ thiền của cụ Ngọc trên này là xa lắm nhé, cả năm trẻ con mới được đi chơi xa một lần”.
5.
Hà Nội không còn nhiều, nhưng không hiếm những ngôi nhà như 108 Quán Thánh, từng vọng tiếng dương cầm suốt những năm chiến tranh, đói rét, vẫn lưu giữ nếp nhà, cốt cách, lời văn tiếng đàn qua mọi thăng trầm thời cuộc
Trên căn gác ấy, Trịnh Lữ vẫn dịch những kiệt tác của nhân loại ra tiếng Việt, từ Cuộc đời của Pi, đại gia Gasby tới những cuốn hội hoạ thường thức, Trịnh Cẩm Nhi con gái Trịnh Tú vẫn vẽ tranh, như cô Nhã, như bác Tuấn, như bố.
Phó An My vẫn bày những chậu sen đá tự tay cô ghép, cùng với rau quả từ Chiềng Đi trên cao nguyên Mộc Châu chở về phố. Cô cũng sắp khai trương nhà hát cá nhân của mình ở Chiềng Đi, nơi các nghệ sỹ cả nước có thể về thoả sức "thể nghiệm".
Trong mỗi gia đình nhỏ dưới mái nhà ấy, vẫn lưu giữ được một món đồ gia dụng từ Memo - Hãng đồ gia dụng nổi tiếng của cụ Trịnh Hữu Ngọc, người từng làm nội thất cho Phủ toàn quyền Đông Dương, và, đặc biệt hơn, cho ngôi nhà 48 Hàng Ngang của cụ Trịnh Văn Bô, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập - Những chiếc ghế trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã khiến Hồ Chí Minh biết đến Trịnh Hữu Ngọc, cũng dẫn đến cơ duyên Chủ tịch mời cụ Ngọc làm nội thất cho chuyên cơ.
Và dù chưa gặp nhau bao giờ, cơ duyên ấy cũng tiếp nối cho sự học hành của những danh cầm, danh hoạ mà chúng ta có bây giờ.
Những dòng chảy cứ thế không ngừng, dưới những nếp nhà.