Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý chủ trương để Tập đoàn FLC đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế theo hình thức đối tác công tư PPP.
Đây không phải dự án hạ tầng sân bay đầu tiên doanh nghiệp tư nhân muốn bỏ vốn đầu tư. Trước đó, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, có ít nhất 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân được triển khai, gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết; Nhà để xe, Ga quốc nội, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Doanh nghiệp tính toán gì khi bỏ vốn vào hạ tầng sân bay?
Tuỳ theo các phương án tài chính được phê duyệt trong hợp đồng, nhà đầu tư sân bay có thể thu hồi vốn bằng việc cung cấp các dịch vụ hàng không và phi hàng không, như dịch vụ khai thác thương mại mặt đất; thuê mặt bằng kinh doanh quảng cáo... Nguồn thu từ những dịch vụ này có thể chiếm đến 25-40% doanh thu của sân bay.
Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV – Bộ GTVT), thực ra việc khai thác những cảng hàng không, sân bay ở một số địa phương là nhiệm vụ duy trì sự phát triển kinh tế xã hội, lợi nhuận ở đây không cao.
Ông Thanh dẫn ví dụ một doanh nghiệp đang đầu tư sân bay tại Vân Đồn và cho rằng, doanh nghiệp này không trông mong gì thu phí dịch vụ tàu bay cất hạ cánh ở đây.
Một dự án khác ở sân bay Phan Thiết, nhà đầu tư từng tính toán sẽ mất 25 năm đầu đi từ lỗ vốn đến hoà vốn và chỉ có thể bù lỗ ở những năm sau đó...
Còn trong trường hợp của Tập đoàn FLC, có thể thấy rõ kiến nghị đầu tư, xây dựng sân bay Đồng Hới của doanh nghiệp này nằm trong chiến lược phát triển tổng thể với nhiều mục tiêu vượt ngoài lợi nhuận khai thác sân bay.
Mục tiêu đầu tiên được cho là bổ trợ cho hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc Tập đoàn FLC) vốn đang trong giai đoạn chuẩn bị nước rút để cất cánh vào cuối năm 2018. Bamboo Airways được xây dựng theo mô hình kết nối trực tiếp các điểm đến đang lên tại Việt Nam, do đó, việc Tập đoàn FLC tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không của chính các điểm đến này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động nội tại của hãng bay.
Mục tiêu thứ hai liên quan đến sự tăng trưởng về kinh tế, du lịch tại địa phương. Năm 2017, tổng du khách đến Quảng Bình đạt 3,3 triệu lượt, tăng 70,9% so với năm trước, trong đó khách du lịch đạt 100.000 lượt, tăng gần 120%. Khách du lịch tăng, nhưng việc đáp chuyến bay đến Đồng Hới không đơn giản do quá ít chuyến bay được cung cấp.
Tình hình này sẽ càng nghiêm trọng hơn khi Tập đoàn FLC đưa vào vận hành tại Quảng Bình 1 quần thể du lịch với tổng vốn 20.000 tỷ trên quy mô gần 2.000 ha, được xem là hạ tầng du lịch lớn nhất miền Trung ở thời điểm hiện tại.
"Khi các tập đoàn lớn đầu tư vào những đặc khu kinh tế, có khu nghỉ dưỡng cao cấp, tiêu chuẩn quốc tế…nếu chỉ trông chờ vào dịch vụ hàng không hiện nay thì có vẻ không ổn, không đáp ứng được. Cho nên Tập đoàn FLC xin thành lập hãng hàng không mới, xây sân bay để phục vụ nhu cầu trong tính toán của họ cũng là một hướng đi, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ", ông Lại Xuân Thanh bình luận.
Xu thế tất yếu
Xã hội hoá hạ tầng hàng không là xu thế đã diễn ra khá phổ biến trên thế giới từ hơn 3 thập kỷ qua, với hàng trăm sân bay lớn được doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, quản lý và khai thác.
Hạ tầng hàng không đang thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn |
Tại Anh, Thủ tướng Margaret Thatcher nhượng quyền khai thác sân bay cho tư nhân từ những năm 80. Kết quả là các sân bay này đều hoạt động tốt, cải thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, đặc biệt là ngân sách Nhà nước không phải chi trả các khoản trợ cấp hằng năm như trước.
Hay tại Australia, cảng hàng không Brisbane Airport (BNE) được tập đoàn BAC mua lại từ chính quyền vào năm 1997. Sân bay này sau đó đã trở thành một biểu tượng đáng tự hào của bang Queensland.
Tại Việt Nam, ngay từ năm 2015, Cục Hàng không Việt Nam cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không giai đoạn 5 năm tiếp theo là 230.215 tỉ đồng trong khi nguồn vốn từ ngân sách rất khó khăn. "Vì vậy, việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn tư nhân (trong và ngoài nước) là một nhu cầu cấp thiết” - Nguyên Cục trưởng Cục Hàng không thời kỳ này là ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.
Không chỉ bổ sung về nguồn vốn, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc nhượng quyền khai thác sân bay sẽ giúp bổ sung nguồn lực, chia sẻ rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động bởi sở hữu tư nhân thường rất đổi mới, sáng tạo trong tất cả các mặt hoạt động tại cảng hàng không, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ.
Cũng cần nói thêm rằng, trong 22 cảng hàng không đang được khai thác, nếu hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra hiện tượng "tắc nghẽn trên không" thì nhiều sân bay địa phương có tiềm năng du lịch chỉ hoạt động trung bình từ 20-30% công suất…
Nếu được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp bởi các doanh nghiệp tư nhân uy tín, hạ tầng hàng không tại các điểm đến thứ cấp vẫn đang thừa công suất này sẽ được tận dụng tối ưu để trở thành cơ hội tốt cho các hãng bay mới như Bamboo Airways, qua đó gián tiếp mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng và tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho ngành hàng không Việt Nam - một trong những thị trường đầy tiềm năng có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong các năm qua.