Theo Tổng thống Biden, ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đã cùng nhau đi một hành trình dài, mà theo ước tính của ông là 17.000 dặm và dành hàng chục giờ cho các cuộc họp, chính xác là 78 cuộc, trong suốt thời gian họ quen biết nhau.
Nhưng ông Biden thường quay lại với mối tương tác duy nhất để giải thích bản chất của mối quan hệ giữa hai người, vốn từ lâu đã được xác định bởi quan điểm lạc quan của ông Biden về nền dân chủ và sự hoài nghi sâu sắc của ông Tập về nó.
“Tôi đã ở cùng ông Tập Cận Bình tới cao nguyên Tây Tạng”, ông Biden nhắc lại kỷ niệm về nhà lãnh đạo Trung Quốc tại một buổi gây quỹ hồi tháng 10, câu chuyện mà ông đã nhắc 13 lần trong năm nay. “Ông ấy quay sang tôi và nói: 'Ngài có thể định nghĩa nước Mỹ cho tôi không?'. Tôi nói: 'Vâng, chỉ một từ thôi: triển vọng'".
Cuộc gặp của Biden và Tập vào năm 2011 thực ra không diễn ra ở vùng cao nguyên Tây Tạng và số dặm họ đã đi có lẽ là phóng đại, nhưng nhiệm vụ của Biden là đi khắp thế giới để làm quen với ông Tập. Trong chuyến thăm đó, ông đã công khai cảm ơn ông Tập, lúc đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc, vì bản tính “thẳng thắn” của ông và dự đoán rằng Mỹ và Trung Quốc đang trên quỹ đạo “tích cực” trong một mối quan hệ dựa trên sự hợp tác chung và cạnh tranh của cả hai.
Giờ đây, cả hai gặp lại nhau với tư cách là nguyên thủ quốc gia trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, vào thời điểm mà mối nghi ngờ và thù hận xác định mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hôm thứ Tư, ông Biden cho biết sẽ thảo luận với ông Tập về “ranh giới đỏ của mỗi nước là gì” để xác định xem liệu các lợi ích quan trọng của hai bên có “xung đột với nhau hay không”.
"Và nếu có xung đột, làm thế nào để giải quyết nó", ông Biden nói và bày tỏ mong đợi chủ đề Đài Loan cùng thương mại sẽ được trao đổi.
Ngay cả khi là Phó Tổng thống, ông Biden đã cảm nhận một cách riêng tư rằng mối quan hệ với ông Tập, người mà ông cho là không có thiện cảm và cảnh giác trước sức mạnh của Mỹ, có thể ngày càng trở nên khó đối phó: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ rất bận rộn với người đàn ông này”, ông Biden nói với các cố vấn trong một cuộc họp ở Nhà Trắng sau khi trở về từ Trung Quốc vào năm 2011.
Đó là một lời tiên đoán chính xác, mặc dù có lẽ là một cách nói quá: Với tư cách là tổng thống, ông Biden đã đối xử với nhà lãnh đạo Trung Quốc giống như một kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh hơn là một quan chức thận trọng mà ông từng biết.
“Chính quyền Biden về cơ bản đã kết thúc kỷ nguyên mà Mỹ ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc và ủng hộ sự gia nhập các mối quan hệ kinh tế trên toàn thế giới", Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết. “Cơ sở lý luận cho điều đó là cuối cùng Trung Quốc sẽ được cải cách. Chính quyền Biden đã thông báo rằng nước Mỹ không còn tin vào điều đó nữa”.
Ông Tập là con trai của một nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc, người từng là đồng hương của Mao Trạch Đông. Ông trưởng thành với tư cách một "hạt giống đỏ", cùng với giới tinh hoa quân đội, tự coi mình là người bảo vệ di sản của đảng. Chủ nghĩa dân tộc mà ông đã khơi dậy ở Trung Quốc là để phục vụ cho điều đó và nó ngày càng thể hiện thành lòng nhiệt thành chống Mỹ.
Ông Biden là một chính trị gia tự hào về khả năng phát triển các mối quan hệ ngoại giao lâu dài bằng cách truyền bá chính trị cá nhân. Nhưng ở ông Tập, ông Biden nhìn thấy một nhà lãnh đạo đã biến chuyển từ một đối tác cứng rắn thành một nhà cai trị chuyên quyền.
Chính quyền Biden kể từ đó đã tích cực tiến hành kiểm tra khả năng của Trung Quốc trong việc tăng cường các tham vọng công nghệ và quân sự của họ, điều này đã bị Bắc Kinh chỉ trích dữ dội.
Ông Biden viết trong một tài liệu chiến lược an ninh quốc gia hồi tháng 10: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt được mục tiêu đó”. Một chiến lược quốc phòng do Lầu Năm Góc công bố vào cuối tháng 10 đã chỉ ra Trung Quốc là một mối đe dọa ngày càng tăng, nhấn mạnh nỗ lực củng cố kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Jude Blanchette, một học giả về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Biden và ông Tập đang gặp nhau vào thời điểm mà cả hai nhà lãnh đạo đều thấy mình đang chiếm thế thượng phong. Nhiều người ở Mỹ nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và uy tín giảm sút ở nước ngoài đang làm mờ đi vị thế của Bắc Kinh, trong khi ông Tập đang xem xét mức độ tín nhiệm thấp của ông Biden, tình trạng của nền kinh tế và khả năng chuyển giao quyền lực trong Quốc hội như những dấu hiệu về sự suy giảm và rối loạn chức năng của nước Mỹ”.
Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết chính quyền Bắc Kinh tập trung vào việc giúp “giải quyết những thách thức nghiêm trọng như kinh tế thế giới trì trệ và rối loạn trong quản trị toàn cầu” tại hội nghị thượng đỉnh Bali.
Ông Liu nói thêm rằng Mỹ cần phải “ngừng bóp méo các ý định chiến lược của Trung Quốc và ngừng làm bất cứ điều gì làm suy yếu mối quan hệ Mỹ-Trung”.
Hai nhà lãnh đạo sẽ lần đầu gặp lại nhau tại Bali sau 11 năm. Nguồn: New York Times |
Kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1 năm 2021, hai nhà lãnh đạo đã 5 lần nói chuyện qua điện thoại hoặc video. Nhưng các cuộc thảo luận kéo dài của họ đã không giải quyết được một loạt bất đồng sâu sắc.
Căng thẳng gia tăng trong những tháng gần đây về các vấn đề khác, bao gồm nỗ lực của ông Tập trong việc thiết lập các thỏa thuận an ninh với các chính phủ khác và chiến dịch mới của ông Biden nhằm ngăn chặn quyền tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ bán dẫn quan trọng.
Nhưng tranh chấp gay gắt nhất của hai nước là về Đài Loan. Không có tổng thống Mỹ nào gần đây có quan điểm mạnh mẽ hơn về vấn đề này so với ông Biden. Ông đã 4 lần nói rằng quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này, mặc dù các quan chức Mỹ khác khẳng định đó không phải là chính sách chính thức. Ông Biden đã cử các tàu hải quân của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan nhằm đáp trả các cuộc tập trận của Trung Quốc.
Các cố vấn cấp cao của ông Biden đã nói rằng ông “thẳng thắn và trung thực” về mối quan tâm của Mỹ đối với Đài Loan trong các cuộc trò chuyện với ông Tập. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng ngôn từ hung hăng hơn trong cảnh báo của mình: "Những ai đùa với lửa sẽ bị thiêu cháy", ông nói với Tổng thống Biden vào tháng 7, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trước khi ông Biden đắc cử, ông Tập đã quen với việc được lãnh đạo Mỹ làm thân. Tổng thống Donald Trump thường nói về mối quan hệ thân thiết của mình với ông Tập: "Ông ấy vì Trung Quốc, tôi vì nước Mỹ, nhưng ngoài ra, chúng tôi quý mến nhau", ông Trump nói vào năm 2020. Trong một lần xuất hiện vào đầu tháng này, ông Trump một lần nữa ca ngợi ông Tập, gọi ông bằng các từ như “chủ tịch suốt đời” và “vị vua”.
Ngược lại, mối quan hệ với ông Biden chỉ có sự nghi ngờ lẫn nhau ngày càng gia tăng và xung đột leo thang, phần lớn nguyên nhân là do ông Tập muốn giành quyền lực và uy tín ở cấp độ cá nhân và quốc gia, theo quan điểm của các quan chức Mỹ.
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức về quản trị, nhưng ông Tập nhận thấy mình đang ở đỉnh cao quyền lực chính trị của mình. Ông đã tập hợp quanh mình các đồng minh trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và phá vỡ quy tắc khi tiếp tục tại nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ ba.
“Định kiến của Washington về Đảng Cộng sản Trung Quốc như một tập thể đoàn kết là sai lầm, bởi vì trên thực tế, có sự đa dạng, bất đồng và phản kháng trong đảng”, Yuen Yuen Ang, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Michigan, cho biết. “Nhưng sự củng cố quyền lực của ông Tập tại Đại hội XX hiện đã xác thực khuôn mẫu này. Nó đã khẳng định nhận thức của Biden rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là một trận chiến đạo đức, tồn tại giữa dân chủ và chế độ chuyên quyền".
Để thoát khỏi sự phản đối trong đảng, ông Tập đã hành động mạnh tay khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, vài tháng sau khi thăm Mỹ theo lời mời của ông Biden. Ông Tập bắt đầu một chiến dịch chống tham nhũng dẫn đến kết quả là các cuộc thanh trừng nội bộ. Ông Biden và các quan chức Mỹ từng dự đoán ông Tập sẽ tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo tập thể nối tiếp giống những người tiền nhiệm.
Kevin Rudd, chủ tịch Hiệp hội Châu Á và là cựu Thủ tướng Australia, cho biết ông Tập khác biệt so với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác sau thời kỳ của Mao Trạch Đông.
"Ông ấy đã chấm dứt kỷ nguyên quản trị thực dụng, phi phàm và thay vào đó, ông ấy đã phát triển một hình thức mới của chủ nghĩa dân tộc Marxist, hiện đang định hình hình thức và bản chất của chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc”, ông Rudd nhận định. "Dưới thời ông Tập, hệ tư tưởng thúc đẩy chính sách thường xuyên hơn so với các thời kỳ trước".
Một số quan chức và nhà phân tích Mỹ đồng thuận rằng ông Tập đã ưu tiên an ninh quốc gia, kiểm soát xã hội và chủ nghĩa chuyên quyền kiên cường làm nền tảng cho quản trị - trái ngược với hệ tư tưởng của ông Biden, một niềm tin vào nền dân chủ.
Điều đó đã được thể hiện trong các chính sách cứng rắn của ông Tập đối với đại dịch COVID-19, các vùng dân tộc thiểu số và Hong Kong, cũng như các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan và các nơi khác ở châu Á, đặt ông vào cuộc xung đột trực tiếp với ông Biden.
Các quan chức Mỹ tranh luận về việc liệu ông Tập có thực sự coi mình là một nhân vật ngang hàng với Mao hay không. Nếu vậy, một số người nói, ông có thể nhắm tới việc thống nhất Đài Loan làm đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của mình.
Đài Loan và các vấn đề an ninh luôn là trọng tâm trong mọi cuộc nói chuyện giữa ông Biden và ông Tập, làm lu mờ sự kiên quyết của ông Biden rằng Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác về biến đổi khí hậu, an ninh y tế và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác. Các quan chức Mỹ cũng mong đợi điều tương tự ở Bali.
“Đương nhiên, ông Tập cảm thấy bị đe dọa, ông ấy biết rằng dưới thời Biden, Đảng Cộng sản Trung Quốc có một đối thủ đáng gờm và cứng đầu”, chuyên gia Yuen Yuen Ang nhận định. "Chiến tranh Lạnh mới vẫn tiếp diễn và sẽ leo thang".