Mùa Phật đản năm nay, Cố đô Huế trở nên rộn ràng, hân hoan hơn với không khí lễ hội. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 được tổ chức chu đáo và mở rộng quy mô với nhiều chương trình, sự kiện cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm các chương trình lễ hội diễn ra trong "Festival bốn mùa" của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Người dân hân hoan chào mừng Phật đản
Tuần lễ Phật đản tại Thừa Thiên – Huế diễn ra từ ngày 8 – 15/5 và mở đầu bằng Lễ Thắp sáng 7 đóa sen trên sông Hương, cũng là biểu tượng cho 7 bước đi của Đức Phật lúc đản sinh. Những ngày qua, tại các các ngôi chùa lớn như tổ đình Từ Đàm, quốc tự Diệu Đế, chùa Thiên Minh, Từ Hiếu, Bảo Quốc... cho đến các chùa, tự viện ở khắp 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều được trang trí, thiết kế lễ đài lỗng lẫy mừng đón Phật đản - Phật lịch 2566. Nhiều phật tử và du khách đến các chùa tham quan, dâng hương lễ Phật, hướng về những điều thiện lành.
Bà Nguyễn Thị Kim Sương, phường Tây Lộc, thành phố Huế chia sẻ, mỗi mùa Phật đản, gia đình bà đều lên chùa để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc và sức khỏe cho gia đình. Là Phật tử, bà luôn quan niệm phải tránh điều dữ, hướng đến điều lành. Gia đình bà cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện như trao quà, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Dù giá trị vật chất không lớn nhưng được sẻ chia, giúp đỡ những người kém may mắn, bà thấy tâm thanh tịnh và nhẹ nhõm hơn.
Không chỉ tại các chùa và tự viện, mà trên khắp các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, các cổng làng, cổng xóm và các gia đình Phật tử đều trang hoàng cờ Tổ quốc, cờ Phật giáo, đèn trang trí đón chào mùa Phật đản Phật lịch 2566. Tất cả, tạo thành một khung cảnh linh thiêng và không khí hân hoan của người dân xứ Huế đón chào mùa Phật đản.
Chị Nguyễn Thu Trang, phường Thủy Xuân, thành phố Huế cho biết, từ tuần trước, gia đình chị đã chuẩn bị cờ đèn và trang trí bàn thờ Phật đàng hoàng. Hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nên người dân rất háo hức hưởng ứng và tham gia vào các lễ hội của tuần lễ Phật Đản. Mỗi người dân, Phật tử có những cách đón mừng Đại lễ Phật đản riêng nhưng các hoạt động đó đều rất thành tâm hướng Phật. Từ đó, mỗi người dân thêm ý thức về trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội.
Lễ hội Phật đản tại Cố đô Huế, ngoài các nghi thức tôn giáo tại các chùa và tự viện, còn bao gồm các chương trình mang tính xã hội như hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Thánh tử đạo, chương trình nghệ thuật, triển lãm, ẩm thực chay, diễu hành xe hoa, các hoạt động từ thiện xã hội. Năm nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục chú trọng công tác từ thiện xã hội, kêu gọi tăng ni, cư sĩ thiện tín thập phương phát tâm cúng dường, đóng góp giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn với tinh thần đạo pháp - dân tộc.
Theo Sư cô Thích Diệu Đàm, Trưởng ban từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, mùa Phật đản năm nay, Ban tổ chức đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 đã tặng gần 1.000 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các huyện, thị xã cũng như nhiều cơ sở tự viện trên địa bàn toàn tỉnh cũng đều có các chương trình riêng về hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ cộng đồng theo tinh thần lòng từ bi của đức Phật.
Nhiều lễ hội đặc sắc trong mùa Phật đản
Tuần lễ Phật đản năm nay tại Cố đô Huế được tổ chức trang trọng, chu đáo thu hút sự tham gia của đông đảo Phật tử và du khách. Lễ hội Phật đản gồm nhiều hoạt động trải khắp các địa điểm Nghinh Lương Đình, Liễu Quán, Quốc tự Diệu Đế, Tổ đình Từ Đàm... Đặc biệt, Đại lễ Phật đản chính thức được tổ chức tại Tổ đình Từ Đàm, thu hút sự tham gia của đông đảo tăng ni, phật tử.
Mở đầu Đại lễ Phật đản, Hoà thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tuyên đọc Thông điệp Đại lễ Phật đản - Phật lịch 2566 của Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông điệp có đoạn "Mùa Phật đản năm nay trở về trong không khí hân hoan sau hơn 2 năm dịch COVID-19 phải thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau. Ngay lúc này, người con Phật càng phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Mỗi tăng ni cần nêu cao trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình trên tinh thần: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, xây dựng Giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam".
Trong không khí trang nghiêm và thành kính, ba hồi chuông, trống Bát nhã được vang lên, hòa thượng Thích Đức Thanh – Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế dâng hương cầu nguyện. Toàn thể mọi người đồng tụng bài Khánh đản nguyện cầu Tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Lễ rước Phật từ Quốc tự Diệu Đế lên Tổ đình Từ Đàm cũng là điểm nhấn thu hút nhiều tăng ni, Phật tử và du khách, cộng đồng dân cư tham gia. Lễ rước Phật được mở đầu bằng nghi thức Mộc dục (tắm Phật). Sau nghi lễ này, kim thân đức Phật đản sinh được toàn thể tăng ni, Phật tử cung nghinh lên xe hoa. Sau đó, đoàn rước Phật di chuyển bằng xe hoa được trang trí đèn hoa rực rỡ, xuất phát từ chùa Diệu Đế, qua chợ Đông Ba rồi ngang qua cầu Trường Tiền, tiến đến tổ đình Từ Đàm. Trên những tuyến đường đoàn rước đi qua, hàng nghìn người dân Cố đô Huế, du khách cũng đã xuống đường để đón đoàn rước.
Tuần lễ Phật đản tại Cố đô Huế cũng là hoạt động hưởng ứng Lễ hội mùa Hạ nhằm làm phong phú thêm các chương trình lễ hội diễn ra bốn mùa trong năm, vừa phát huy được các giá trị di sản văn hóa đặc hữu, yếu tố tâm linh, vừa tạo sản phẩm du lịch, hướng đến Tuần lễ Festival Huế 2022 "Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển" vào cuối tháng 6/2022.
Trải qua dặm dài lịch sử, Phật giáo không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của cư dân xứ Huế mà còn được xem là một trong những thành tố quan trọng, tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Dấu ấn văn hóa Phật giáo đã in đậm và ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân trên mảnh đất này, nó không chỉ được hiện hữu hóa cụ thể qua những ngôi chùa, niệm Phật đường, hay những món ăn chay, mà còn được hiện diện qua hệ thống các lễ hội Phật giáo.
Hoà thượng Thích Hải Ấn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa Phật giáo Trung ương cho biết, văn hóa Phật giáo Huế là văn hóa lễ hội, trong đó quan trọng nhất là Lễ hội Phật đản. Cứ mỗi mùa Phật đản thì tất cả mọi người dân, Phật tử đều chuẩn bị cờ, đèn và trang hoàng nhà cửa để mùa lễ hội đàng hoàng, trọng thể hơn; đặc biệt còn tổ chức lễ rước đèn, rước Phật từ quốc tự Diệu Đế đi lên tổ đình Từ Đàm. Văn hóa Phật giáo của Huế đã lan rộng vào các tỉnh miền Trung cho đến miền Nam.