Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden đang xem xét áp dụng trở lại một loạt quy định giám sát các ngân hàng quy mô trung bình để giảm nguy cơ khủng hoảng ngân hàng trong tương lai.
Cụ thể, ông Biden kêu gọi tiến hành các bài kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng quy mô trung bình hằng năm, đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về vốn cũng như biện pháp xử lý trong trường hợp ngân hàng phá sản.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý, các nhà lập pháp và các bên liên quan khác đẩy mạnh điều tra vụ sụp đổ của SVB và 2 ngân hàng quy mô trung bình khác của Mỹ đầu tháng này. Những vụ việc này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính lan rộng.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng quy định trong ngành ngân hàng và các quy định giám sát cần được đánh giá lại nhằm đảm bảo giải quyết được các nguy cơ hiện nay của hệ thống ngân hàng.
Theo bà Yellen, cần đánh giá lại quy định về yêu cầu vốn bắt buộc của ngân hàng từ năm 2018 và siết chặt giám sát đối với các ngân hàng nhỏ và vừa với tài sản dưới 250 tỷ USD. Ngoài ra, bà nhấn mạnh cần có thêm các công cụ mới để giải quyết các nguy cơ nếu cần.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Dodd-Frank áp dụng các quy định giám sát nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng có tổng tài sản ít nhất 50 tỷ USD.
Tuy nhiên, năm 2018, trong khi các ngân hàng lớn như Citigroup và JPMorgan Chase phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn và thanh khoản, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định giám sát ngân hàng quy mô 50-100 tỷ USD. Với những ngân hàng quy mô 100-250 tỷ USD, các quy định giám sát cũng sẽ không được tự động áp dụng trừ khi các cơ quan quản lý yêu cầu.