Bệnh nhân đầu tiên được thực hiện cấy ghép dương vật là một binh sĩ bị thương trong cuộc chiến tại Afghanistan. Ông bị chấn thương niệu-sinh dục, mất gần như toàn bộ dương vật và tinh hoàn.
Ca cấy ghép đầu tiên sẽ được tiến hành năm 2016.
Binh sĩ này đã được một người đàn ông vừa qua đời hiến tặng bộ phận sinh dục. Đội ngũ y tế hy vọng rằng vài tháng sau khi được cấy ghép, bệnh nhân sẽ có lại cảm giác, phát triển chức năng tiết niệu và sau đó có thể quan hệ tình dục bình thường.
Ca phẫu thuật dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 12 tiếng. Các bác sĩ sẽ nối từ 2 đến 6 dây thần kinh với 6 hay 7 động mạch và tĩnh mạch của bộ phận hiến tặng. Sau một vài tuần, bệnh nhân có thể đi tiểu trở lại. Tuy nhiên, các chức năng khác sẽ mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.
Để hồi phục chức năng quan hệ tình dục, các dây thần kinh của bệnh nhân phải phát triển tốt trong bộ phận được hiến tặng. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào mức độ chấn thương. Các dây thần kinh sẽ phát triển khoảng 2.5 cm mỗi tháng.
Sau khi cấy ghép thành công, người bệnh phải sử dụng thuốc chống đào thải nhằm ngăn chặn hệ miễn dịch “tấn công” bộ phận mới được ghép vào cơ thể. Dù vậy, những loại thuốc này có một vài tác dụng phụ, có thể khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và phát triển ung thư.
Trước đây, mới chỉ có 2 ca cấy ghép dương vật tại Trung Quốc vào năm 2006 và Nam Phi năm 2014. Tuy nhiên, chỉ có ca cấy ghép dương vật ở Nam Phi là thành công.
Trường Đại học Johns Hopkins sắp tới sẽ thực hiện 60 ca cấy ghép dương vật tương tự, đồng thời kết quả của các ca phẫu thuật sẽ được theo dõi chặt chẽ. Nếu thu lại nhiều kết quả tích cực, việc cấy ghép dương vật sẽ được tiến hành rộng rãi trong y học.
Trong cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, 12% trong quân nhân bị thương gặp phải tình trạng chấn thương niệu-sinh dục. Theo tư liệu đăng ký chấn thương của Bộ Quốc phòng Mỹ, 1,367 quân nhân bị chấn thương bộ phận sinh dục trong các cuộc chiến này.
“Chúng ta thường ít được nghe và tiếp xúc với những thông tin về chấn thương niệu-sinh dục”, tiến sĩ WP Andrew Lee, người đứng đầu bộ phận phẫu thuật tái tạo tại Đại học Johns Hopkins cho biết. “Việc một người quân nhân trẻ trở về nhà với vùng xương chậu bị chấn thương nặng là một tổn thương rất lớn”.
Danh Tuyên (Theo The New York Times)