Cuộc xung đột tại Trung Đông đã tạo thêm động lực mới cho mối quan hệ đầy thử thách giữa hai siêu cường và Washington đang hy vọng Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng của mình với Iran để giúp đảm bảo xung đột Israel-Hamas không lan rộng ra toàn khu vực.
Dù cả Bắc Kinh và Washington đều nói về việc tìm kiếm những lĩnh vực mà họ có thể hợp tác cùng nhau, ngay cả ông Tập Cận Bình hôm thứ Tư cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu, thì các chuyên gia quốc tế không mong đợi những tiến bộ thực chất sẽ xuất hiện.
Ưu tiên của chính quyền Biden với Bắc Kinh là ngăn chặn sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và những bất đồng về một loạt vấn đề từ thương mại đến Đài Loan và Biển Đông.
Các nhà phân tích chính sách ở Trung Quốc và Mỹ cho biết cả hai bên đều có chung lợi ích trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn và rằng Trung Quốc, với tư cách là một nước nhập khẩu dầu lớn, có ảnh hưởng đáng kể lên Iran.
Nhưng liệu Bắc Kinh có sử dụng sức ảnh hưởng của mình hay không vẫn còn phải xem xét. Các chuyên gia cho rằng thay vào đó, Trung Quốc có thể đứng bên lề và quan sát thêm một thời gian nữa.
Jon Alterman, người đứng đầu chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết: “Người Trung Quốc chắc chắn có lợi ích trong việc ngăn chặn một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran, vì hai siêu cường đều là những nước tiêu thụ dầu lớn và điều đó sẽ khiến giá dầu tăng vọt”.
"Tuy nhiên, người Trung Quốc khó có thể thực hiện bất kỳ động thái nặng nề nào ở đây. Tôi cho rằng họ sẽ muốn có một chỗ ngồi tại bàn đàm phán khi cuộc xung đột Israel-Gaza được giải quyết, nhưng họ không cảm thấy cần thiết hoặc không có nhiều khả năng để đẩy nhanh giải pháp", ông Alterman nói.
Các nhà phân tích kỳ vọng các cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Vương Nghị sẽ tập trung vào việc chuẩn bị cho cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại San Francisco diễn ra từ ngày 11 đến ngày 17/11.
Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết: “Có những điều quan trọng cần được giải quyết và hoàn thiện. Ông Vương Nghị tới đây chỉ để đàm phán, những kết quả lớn sẽ được dành cho các nguyên thủ công bố".
Hôm thứ Tư, ông Tập Cận Bình cho biết việc Washington và Bắc Kinh có thể thiết lập cách thức “đúng đắn” để hòa hợp và giải quyết những khác biệt giữa hai bên hay không sẽ là điều quan trọng đối với thế giới.
Hai nước bước vào hội nghị thượng đỉnh APEC với những quan điểm kinh tế khác nhau, trong đó các nhà phân tích chính sách kinh tế cho rằng Mỹ đã vượt qua các điều kiện toàn cầu đầy thách thức sau đại dịch COVID-19 tốt hơn một chút so với Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào thứ Hai về các diễn biến kinh tế vĩ mô, các cuộc đàm phán mà Mỹ gọi là "hiệu quả và thực chất" còn Trung Quốc gọi là "sâu sắc, thẳng thắn và mang tính xây dựng".
Họ cho biết việc thiết lập lại mối quan hệ quân sự với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ nhằm tránh xung đột ngoài ý muốn.
Dù vậy, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vẫn nhấn mạnh những mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước.
“Mặc dù quan hệ Trung-Mỹ đã phục hồi nhanh chóng trong các lĩnh vực khác nhau, chính sách cố gắng 'kiềm chế' Trung Quốc của Mỹ vẫn không thay đổi", trích bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu, đồng thời tác giả cáo buộc Mỹ thực hiện “chiến thuật hai mặt” trong đó nước này “thường tận dụng nhiều cơ hội khác nhau” để làm mất uy tín của Trung Quốc và tạo ra xích mích.