Tháng 6/2023, Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy công bố đề xuất khai thác khoáng sản dưới đáy biển Greenland và biển Na Uy nằm ở phía tây nam quần đảo Svalbard, Bắc Cực nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt là pin ô tô điện. Đây được cho là khu vực nhạy cảm có diện tích 280.000 km2, lớn hơn cả nước Anh.
Đầu năm nay, Na Uy chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận hoạt động khai thác biển sâu sau khi đề xuất được quốc hội nước này phê duyệt. Thông báo này đã vấp phải vô số tranh cãi từ các nhà khoa học và sự phản đối gay gắt từ EU và Vương quốc Anh, những nước ủng hộ lệnh cấm tạm thời vì lý do môi trường.
Tuy nhiên, Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn thiên nhiên tại Na Uy (WWF- Na Uy) cho biết quyết định này đã vi phạm pháp luật và các tổ chức môi trường trên thế giới đang kiện chính phủ Na Uy vì quá trình khai thác có thể phá vỡ hệ sinh thái biển.
WWF-Na Uy cho rằng đánh giá của Bộ năng lượng Na Uy, cơ sở cho quyết định của chính phủ không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của Đạo luật Khoáng sản đáy biển và không cung cấp đủ dữ liệu bền vững và cơ sở pháp lý cho việc khai thác dưới biển sâu.
Karoline Andaur, Giám đốc điều hành của WWF-Na Uy cho biết: “Chúng tôi tin rằng chính phủ đang vi phạm luật pháp Na Uy khi mù quáng mở cửa cho một ngành công nghiệp mới mà không suy xét đến hậu quả của nó.”
Ông Astrid Bergmål, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Na Uy khẳng định: “Các quy trình thực hiện khai thác đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ tuyệt đối các quy định hiện hành. Tôi không có ý kiến gì về việc WWF muốn kiện chúng tôi ra tòa vì họ hoàn toàn có quyền làm điều này.”
Vào tháng 2, quốc hội châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên ủng hộ lệnh cấm, bao gồm cả tại Cơ quan đáy biển quốc tế và dự kiến sẽ họp vào cuối năm nay để phê chuẩn các quy định về khai thác ở vùng biển quốc tế.
Cho đến nay, 25 quốc gia , trong đó có Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Palau, Mexico và Thụy Điển, đã yêu cầu tạm dừng, hoặc cấm khai thác khoáng sản dưới đáy biển.