Phóng viên: Có thể nói năm 2023 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Pháp như kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa và hiệu quả các hoạt động mà ta đã tiến hành tại Pháp để kỷ niệm các sự kiện trên?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Có thể nói trong năm 2023, Việt Nam và Pháp đã triển khai một chương trình hoạt động phong phú, hưởng ứng các ngày lễ lớn trong quan hệ song phương, phản ánh được sự trưởng thành và phát triển sâu đậm của quan hệ hai nước. Ngay trong tháng 1 đầu năm, hai bên đã mở đầu bằng chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris tại các thành phố ghi dấu ấn trước đây của các đoàn đàm phán Việt Nam, đã góp phần khẳng định sự gắn kết sâu sắc và mối thiện cảm truyền thống giữa nhân dân hai nước. Trong những tháng, tuần cuối năm này, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ngày 20/10) và cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Macron bên lề Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28 )(ngày 2/12) một lần nữa khẳng định sự trao đổi cấp cao mật thiết và nhận thức chung, sự chia sẻ tầm nhìn giữa hai nước về định hướng tăng cường quan hệ song phương.
Cùng với đó là hàng loạt hoạt động giao lưu, trao đổi tiêu biểu, đặc trưng trải rộng trên nhiều lĩnh vực, thông qua nhiều kênh tiếp xúc. Trong cả năm qua, hai bên đã tổ chức các lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại Hà Nội cũng như ở Paris, cùng với các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam tại Pháp, Ngày Văn hóa Pháp tại Việt Nam. Hai nước cũng đã tổ chức các chuyến thăm cấp bộ trưởng trên nhiều lĩnh vực hợp tác trụ cột như chuyến thăm Pháp của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sau 10 năm ký quan hệ đối tác chiến lược (tháng 6), Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (tháng 11), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (tháng 12). Ở chiều ngược lại, đó là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương Olivier Becht (cuối tháng 2), Bộ trưởng Chuyển đổi Công vụ Stanislas Guérini (cuối tháng 11). Ngoài ra, phải kể đến hơn 50 đoàn các cấp ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đối tác Việt Nam sang thăm và làm việc tại Pháp.
Năm 2023 cũng đánh dấu sự khởi động trở lại sôi động các cơ chế hợp tác song phương như Hội nghị Hợp tác các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội (tháng 4), Tham vấn chính trị giữa hai Vụ khu vực Bộ Ngoại giao hai nước tại Hà Nội (tháng 12), Đối thoại Chiến lược và hợp tác quốc phòng Việt Nam - Pháp lần thứ 3 tại Paris (tháng 12).
Cộng đồng người Việt tại Pháp và các hội đoàn người Pháp đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động sôi nổi tại khắp các vùng miền nước Pháp, từ Tết cộng đồng tổ chức tại Tòa Thị chính Paris được nối lại sau thời gian dịch bệnh COVID-19 đến các lễ hội văn hóa, ẩm thực, du lịch tại Lyon, Marseille, Nantes, Brest, Saintes...
Trong năm 2023, việc hồi hương thành công Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" lưu lạc hàng chục năm tại Pháp sau hơn một năm thỏa thuận thành công dừng đấu giá và tiến hành các thủ tục cần thiết, với sự ủng hộ của cộng đồng người Việt tại Pháp cũng như các cơ quan chức năng Pháp cũng là một dấu ấn quan trọng.
Các hoạt động sôi nổi và phong phú đó phản ánh sự hưởng ứng rất lớn của các đối tác hai bên đối với hợp tác Việt Nam - Pháp và tạo cho chúng ta một sự tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Pháp trong tương lai.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng giữa hai nước còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa quan hệ cả về chất và lượng. Đại sứ đánh giá thế nào về nhận xét này ?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Nhận xét này không sai ở chỗ quan hệ Việt Nam - Pháp đã có một sự tích lũy quan trọng cả về lượng cũng như về chất, nhưng tiềm năng để làm sâu sắc hơn nữa các mối hợp tác còn rất lớn và nhất là cả hai nước đều đang đứng trước những đòi hỏi lớn lao về phát triển đất nước cũng như cùng đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình và hợp tác.
Các hoạt động trải rộng khắp các vùng miền, lĩnh vực trong năm 2023 càng thể hiện việc hai bên đã xây dựng được một hệ thống đối tác hết sức phong phú trên tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương, từ bộ ngành đến doanh nghiệp, từ hội đoàn đến các thiết chế văn hóa-giáo dục. Những kết quả trao đổi tích cực đạt được vừa là sự khích lệ vừa là nền tảng, động lực để các đối tác hai bên tăng cường kết nối và hiệu quả hợp tác, đồng thời tìm tòi những hướng đi, những dự án mới đáp ứng yêu cầu của cả hai bên trong giai đoạn hiện nay.
Trong các tiếp xúc mới đây, lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định những nội hàm, tiềm năng hợp tác cùng các nhận thức chung giữa hai nước về một tầm nhìn mới cho quan hệ Việt Nam - Pháp thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược tăng cường và trên cơ sở các trụ cột hợp tác đã được xác định và tiếp tục được đổi mới. Nhiều điểm nhấn quan trọng cụ thể đã được định hình trong việc tăng cường tin cậy chính trị và giao lưu nhân dân; thúc đẩy, tạo chuyển biến về hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hàng không, chuyển đổi năng lượng, khoa học - công nghệ, văn hóa, kỹ thuật…
Để có thể tạo được những bước phát triển mới, năng động hơn nữa cho quan hệ hai nước theo nhận thức chung và trong các mặt cụ thể đó, các đối tác hai bên cần tích cực trao đổi, đánh giá các nhu cầu, năng lực của mình cũng như đối tác, đưa ra những đề xuất khả thi và thiết thực cho với những tầm nhìn lâu dài, bền vững.
Phóng viên: Theo Đại sứ, trong thời gian tới hai nước sẽ làm gì để đưa mối quan hệ song phương lên tầm cao mới ?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Có thể nói chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa hợp tác Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới trong những năm tới và những thập kỷ tới. Năm 2023 với nhiều hoạt động trên nhiều mặt cho thấy hai nước có sự quyết tâm của lãnh đạo, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác và những cơ sở rất quan trọng để phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn nữa quan hệ Việt Nam - Pháp. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp sẽ đáp ứng lợi ích của cả Việt Nam và Pháp, giúp cho hai bên tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng cho mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển, ổn định.
Bên cạnh đó, cũng có thể thấy các biến động địa chính trị và khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, khu vực hiện nay đã và đang tác động không nhỏ đến nguồn lực và chính sách của cả hai nước; đòi hỏi sự chuyển dịch mạnh mẽ cùng các chiến lược thích ứng khác nhau đặt ra để tăng cường chuỗi cung ứng, phục vụ tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện.
Các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước thời gian qua đã và đang thể hiện rõ vai trò định hướng quan trọng của lãnh đạo cấp cao đối với quan hệ Việt Nam - Pháp. Hai nước sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường các cơ chế này để đôn đốc việc phối hợp và triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, văn hóa và giao lưu nhân dân. Mặt khác, các đối tác hai bên cần nỗ lực và có các biện pháp nhanh chóng để có những bước đi cụ thể đáp ứng được các yêu cầu mới của cả Việt Nam và Pháp đang đặt ra ngày càng khẩn trương hơn và đa dạng hơn.
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Pháp đã có sự phát triển mạnh và sự tương tác tích cực, song cần tiếp tục nỗ lực để các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giầy, nông thủy sản... tận dụng được các lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) trên thị trường Pháp.
Hai bên cũng cần phối hợp để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng như thúc đẩy liên kết giữa các đối tác hai bên về công nghệ cao, công nghiệp, cũng như các ngành chiến lược và mũi nhọn khác. Các doanh nghiệp Pháp cần được cổ vũ để hướng tới các chiến lược bài bản hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để phát huy sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và tranh thủ thị trường Việt Nam vươn ra khu vực.
Hai nước đang thật sự chia sẻ nhu cầu hợp tác lớn trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, chuyển đổi sinh thái, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực đòi hỏi nhiều nỗ lực của quốc gia cũng như quốc tế. Các cơ quan, tổ chức cũng như các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai bên cần tăng cường trao đổi, kết nối và nâng cao hợp tác trong các lĩnh vực liên quan. Đó có thể là cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, đó cũng có thể là giao thông vận tải bền vững hay công nghệ xanh (Greentech) kể cả trong nông nghiệp và công nghiệp.
Nhiều lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Pháp và Việt Nam sẽ tiếp tục là những lĩnh vực hợp tác quan trọng, trong đó có y dược, nghiên cứu và khoa học - kỹ thuật, đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực, phát triển du lịch. Thế mạnh của quan hệ Việt Nam - Pháp là sự sâu rộng, nhưng hai bên cũng cần đầu tư cho các định hướng mũi nhọn trong từng lĩnh vực trên.
Hai bên cũng cần phát huy sự chia sẻ những quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế quan trọng, thắt chặt sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và ủng hộ các nỗ lực vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong các khu vực và trên quốc tế.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ.