Năm 2023, 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được số hóa theo quy định; không yêu cầu người dân kê khai lại những thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu của ngành đang quản lý; không phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú. Đây là mục tiêu Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đặt ra đối với phong trào thi đua “Chuyển đổi số ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vì sự phát triển bền vững an sinh xã hội quốc gia” giai đoạn 2023 – 2030.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chỉ tiêu phát triển về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ và triển khai các nhiệm vụ Đề án 06, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phối hợp, tham gia với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tập trung rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn. Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Mở rộng triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính…
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý những công chức, viên chức và người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự đặt ra thủ tục hành chính không đúng quy định hoặc để chậm, muộn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Theo mục tiêu thi đua đề ra, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phấn đấu năm 2023 có 50% thủ tục hành chính được chuẩn hóa, cắt giảm, đơn giản hóa trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an cung cấp. 100% người tham gia kê khai số định danh cá nhân, căn cước công dân, được cập nhật trong cơ sở dữ liệu của ngành quản lý và được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được cập nhật).
Ngành mở rộng giao dịch với tất cả các ngân hàng đủ điều kiện kết nối khi thực hiện các thủ tục thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 80% thủ tục hành chính của ngành đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Giai đoạn 2024 – 2025, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục duy trì các mục tiêu đã đạt được trong năm 2023 và hướng đến 100% bộ phận "Một cửa" của Bảo hiểm Xã hội các cấp triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc dựa trên thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNelD và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính của ngành đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, 100% thủ tục hành chính được chuẩn hóa, cắt giảm, đơn giản hóa trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an cung cấp. 90% các hệ thống thông tin của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại. Tiếp tục triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Giai đoạn 2024 – 2025, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phấn đấu duy trì, mở rộng hạ tầng thông tin, các phần mềm, ứng dụng, dữ liệu liên quan đến người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, hoàn thiện, mở rộng các công cụ phân tích dữ liệu đa chiều, trực quan hóa, tổng hợp, thống kê, báo cáo phục vụ chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định hoặc đề xuất thay đổi chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, dữ liệu về bảo hiểm xã hội trong quản lý, cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân. 100% các hệ thống thông tin của ngành có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại…