Vẻ đẹp của An Giang dịu dàng, quyến rũ dễ làm say đắm lòng người khi đến đây. Mời bạn cùng chiêm ngưỡng những khung ảnh tuyệt vời về An Giang qua con mắt của một phượt thủ.
Là một phần của vùng Tứ giác Long Xuyên, hàng năm An Giang hiển nhiên là một trong những tỉnh miền Tây chịu sự ảnh hưởng rất lớn của nước lũ đổ về. Vùng đất hào sảng đặc trưng miền Tây này còn chứa đựng trong lòng nó một nền văn hóa Óc Eo độc đáo, là cơ sở để tìm hiểu về một vương quốc Phù Nam đã từng rực rỡ trong quá khứ.
Tôi đến An Giang vào những ngày mưa tầm tã, vì những lời rủ rê nhiệt tình và chân thành của bạn bè, vì những bức ảnh tuyệt đẹp về những cánh đồng vàng ươm mùa thu hoạch, và vì sự quyến rũ ngọt ngào của hương thốt nốt thơm nồng…Và An Giang hiện ra, giản dị và rực rỡ, hào sảng và nhiệt thành, hơn cả những gì tôi mong đợi..
An Giang vào mùa mưa, và chúng tôi đều chuẩn bị tâm lý đón những trận mưa tầm tã giữa hè. Tuy nhiên, có một sự may mắn nào đó, vì vùng đất tuyệt vời này đón chúng tôi bằng màu trời xanh ngọc bích, bằng những cụm mây trắng vờn quanh những dãy núi cao vời vợi, bằng ánh nắng chói chang vàng ruộm những cánh đồng bát ngát…
Từ Long Xuyên, chúng tôi chạy về Tri Tôn, hướng về những cánh đồng lúa với một màu vàng ruộm mùa thu hoạch và lác đác xanh ngát lúa trổ đòng. Vi vu trên những con đường thênh thang, phơi phới với mây trời mênh mông và những cánh đồng, lại càng thấy yêu quê hương tươi đẹp hơn.
Điểm đến đầu tiên là cánh đồng Tà Pạ (cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1 km). Nhìn từ trên cao, Tà Pạ như một tấm thảm xanh ngút ngàn màu lúa non, lác đác điểm tô bằng những ngọn thốt nốt cao vút. Thời diểm chúng tôi đến, Tà Pạ đã qua mùa thu hoạch, và người dân ở đây cũng đã cấy xong vụ mới. Mạ non xanh ngát, tuy nhiên vì quá mới nên chưa xanh đều, chưa bắt mắt…
Ở An Giang nói riêng, và miền Tây nói chung có một thông lệ khá đặc biệt về việc trồng lúa, cũng được xem là một nét văn hóa đặc sắc của nên nông nghiệp lúa nước có từ lâu đời. Đó là tập quán “làm ruộng vần công”, mỗi khi cày cấy thường tập hợp cùng nhau làm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Chính vì người nông dân Khmer vẫn còn giữ tập quán đó, mà những cánh đồng ở Tà Pạ mang một sắc thái lạ lùng. Gần đến mùa thu hoạch, cánh đồng sẽ chuyển thành nhiều mảng màu rực rỡ: màu xanh mượt màu của lúa đang ngậm đồng, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ hạt, màu vàng tươi rạng rỡ của lúa sắp vào vụ gặt, màu vàng đậm trĩu hạt của những khoảnh ruộng đang mùa thu hoạch, và cả màu nâu sạm loang lổ của gốc rạ lởm chởm, chơ vơ…
Từ trên nhìn xuống, cánh đồng Tà Pạ tuy chưa mượt mà và nhiều màu sắc, nhưng cũng đủ làm say lòng khách lãng du, nhất là những ai mê nhìn cuộc sống qua con mắt của máy ảnh. Núi Tà Pạ, một ngọn núi đá hoa cương đã từng bị khai thác một cách ồ ạt và triệt để nên một phần ngọn núi trở thành lởm chởm với nhiều hình thù độc đáo khác nhau. Chính vì bị đào bới quá nhiều, nên dần tạo thành một số hồ nước nhỏ, soi bóng các mỏm đá hoa cương, tạo thành một bức tranh sơn thủy hết sức kỳ vĩ.
Bức họa đồng quê tất nhiên sẽ kém vui, thiếu sinh động nếu không có hình ảnh chân chất của người An Giang. Với hơn 2,2 triệu người, An Giang là tỉnh có đông dân số nhất ĐBSCL, trong đó người Khmer chiếm đến 3.9%, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Trong chuyến đi này, chúng tôi được anh Hậu dẫn vào một ngôi chùa Khmer vào đúng ngày rằm. Chùa chiền không chỉ là nơi thờ tự mà còn là một điểm sinh hoạt văn hóa, một loại hình trường học cho thanh thiếu niên bản xứ…
Điểm đến tiếp theo trong ngày hôm đó là hồ Soài So, nhưng tiếc thay, trong chương trình nạo vét hay nâng cấp gì đấy, hồ Soài So bị hút cạn khô nước, máy kéo máy ủi quật tung cả cái hồ lên. Thế là cả đám tiu nghỉu vòng xe đi tiếp.
Nhân cũng xin nói một chút về hồ Soài So và núi Tô. Có dung tích khoảng 400.000 m3 nước, hồ Soài So nằm yên lặng dưới chân núi Tô, bao quanh là cây lá xanh rờn, tạo thành một không gian sơn thủy hữu tình hiếm có. Ngoài việc để phục vụ du lịch, hồ nước rộng gần 5 ha này còn là nguồn nước sinh hoạt của bà con xung quanh. Điểm độc đáo của hồ Soài So không chỉ là không gian tĩnh lặng giữa núi rừng, mà là những cây thốt nốt mọc giữa hồ, soi bóng xuống lòng hồ phẳng lặng, đẹp đến nao lòng…
May mắn, tôi đã từng đến hồ Soài So cách đây một năm, sau những cơn mưa rào nặng hạt, hồ Soài So hiện ra trong lành, mơn mởn, cảm giác mát lạnh giữa một vùng cây cối xanh um…
An Giang, cảnh sắc dễ làm ngây ngất lòng người, và thức ăn mang phong vị vùng đất trù phú miền Tây này còn để lại nhiều ấn tượng. Nếu đến Châu Đốc, xin đừng bỏ qua món bún cá đặc trưng, khác hẳn những nơi khác. Trong một buổi chiều lắc rắc mưa, ngồi cạnh nhau húp xì xụp tô bún nóng hổi, nước dùng trong vắt, ngọt thanh, vị cá đồng bùi bùi… quả thật chẳng món gì bằng. Nếu có đi ngang Tri Tôn, hãy ghé lại quán ven đường và thử món bánh canh Vĩnh Trung nhiều hương vị phong phú, cũng có thể thử một chút lạp bò thơm lừng, cháy xèo xèo trên bếp than… Ngon tuyệt!
An Giang, vùng đất của những cây thốt nốt lô nhô cao chót vót, nên hiển nhiên bạn phải thử một ly nước thốt nốt ngọt lịm, mát rượi trong buổi trưa nắng oi nồng. Vị thơm ngát và ngọt thanh của nước thốt nốt, miếng cơm thốt nốt dẻo dẻo cùng cái mát lạnh của nước đá, làm tan đi mọi cảm giác oi bức khó chịu giữa trưa hè ngột ngạt…
Nhưng, sự tuyệt vời nhất (theo ý tôi) chính là về An Giang đúng mùa lũ, mùa cá đổ đồng, và hãy thưởng thức món canh chua cá linh nấu bông điên điển, bạn sẽ cảm nhận được hết phong cách rặt-miền-Tây trong bữa cơm ngon miệng.
Lạp bò, một trong những đặc sản An Giang. |
Thốt nốt, không thể bỏ qua khi đến An Giang. |
Nước lũ về miền Tây không hề giống lũ lụt miền Trung. Nước về miền Tây hiền hòa và bao la lắm, có lẽ nước cũng hiểu được bụng dạ người đồng bằng, giản dị và hào sảng. Có thể mùa lũ gây nhiều thiệt hại, nhiều phiền toái, khó khăn đó, nhưng bà con miền Tây thương mến con nước như chính mảnh đất mà họ đang sống. Đơn giản vì con nước về chính là món quà mà sông mẹ bao la chở nặng về bồi đắp cho ảnh đất quê nhà…