Nét đẹp văn hóa ngày Lễ Tình yêu ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Những năm gần đây, ngày Valentine (Valentine's Day) còn được gọi là ngày Lễ Tình yêu hay ngày Lễ Tình nhân đã không còn xa lạ với các bạn trẻ Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là một lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, nhưng càng ngày, ngày Lễ Tình yêu càng trở thành một lễ hội được yêu thích, đặc biệt với các bạn trẻ, những đôi uyên ương...

Valentine – ngày Lễ Tình yêu

Về nguồn gốc của ngày Lễ Tình yêu có rất nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện khác nhau, trong đó có một truyền thuyết kể về một vị linh mục tên là Valentine, ở một vùng đất gần thành Roma (Italy) vào thế kỷ thứ III. Khi đó Hoàng đế trị vì là Claudius II đã ban một sắc lệnh cấm các chàng lính trẻ lấy vợ khi đang thực hiện nghĩa vụ trong quân đội. Lý do là vì ông lo ngại việc hôn nhân - gia đình sẽ là gánh nặng làm lung lay và cản trở ý chí quyết tâm xả thân bảo vệ tổ quốc của quân lính.

Không chịu khuất phục trước quyết định phi lý này, linh mục Valentine, nhân danh tình yêu cao cả vẫn bí mật đứng ra tổ chức các lễ thành hôn cho nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết, theo đúng nghi thức quy định của Thiên Chúa giáo. Khi mọi chuyện vở lỡ, Hoàng đế Claudius đã ra lệnh bắt giam và chém đầu linh mục Valentine vào ngày 14/2.

Ngoài ra, còn nhiều câu chuyện lý giải về nguồn gốc Ngày lễ tình yêu, gắn với tên Thánh Valentine. Mặc dù những quan điểm về ngày lễ Thánh Valentine chưa thống nhất, cũng như mỗi câu chuyện kể về một người khác nhau, nhưng những nhân vật trong đó đều có một điểm chung là họ đều chết vì tình yêu chân chính, một tình yêu cao cả và vì sự chính nghĩa, thấm đậm chất trữ tình và lãng mạn.

Trước đây, ngày Valentine chỉ là ngày lễ ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng ngày nay nó đã trở nên phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, cách kỷ niệm ngày Valentine ở mỗi quốc gia cũng được thay đổi cho phù hợp với văn hoá của mỗi nước.

Ở Việt Nam, ngày Lễ Tình yêu tuy mới du nhập vào khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhưng cũng đã nhanh chóng được giới trẻ đón nhận và hưởng ứng. Vào những ngày này, nhiều cặp đôi thường luôn thể hiện tình cảm với nhau bằng những món quà ngọt ngào và ý nghĩa.

Những năm trước, một số đơn vị từ nguồn xã hội hóa đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa vào ngày Lễ Tình yêu, thu hút sự tham gia của giới trẻ như cuộc thi hôn tập thể tại Việt Nam; các cặp đôi cùng tham gia sáng tạo bức tranh bằng vân tay về chủ đề tình yêu; Không gian tỏ tình để các cặp đôi chụp ảnh...

Với mong muốn truyền tải những thông điệp tình yêu đầy nhân văn và ý nghĩa, vào ngày lễ Tình yêu năm 2020 và năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành 2 bộ tem “Tem Tình yêu” hình trái tim màu hồng - biểu tượng của hạnh phúc đôi lứa. Được biết, với ý tưởng khai thác chủ đề “Tem Tình yêu” theo các cung bậc yêu thương, Bưu điện Việt Nam đã thiết kế chuỗi tem thể hiện 3 giai đoạn trong tình yêu: Giai đoạn tình yêu mới chớm (bộ tem phát hành năm 2020); Giai đoạn kết nối yêu thương (bộ tem phát hành năm 2022); Giai đoạn tình yêu vĩnh cửu (dự kiến phát hành năm 2024).

Gắn kết tình cảm – nét đẹp văn hóa

Những ngày này, các cửa hàng hoa và quà tặng ở một số thành phố lớn trở nên nhộn nhịp bởi có nhiều người đi lựa chọn mua hoa và quà tặng cho người thương của mình. Vừa cẩn thận chọn lấy một bó hoa đẹp, anh Nguyễn Tiến Minh, quận Long Biên, Hà Nội vừa chia sẻ, anh mua hoa và quà để tặng cho người yêu của mình trong ngày Lễ tình nhân.

“Năm nào cũng vậy, đến ngày này, chúng tôi đều mua hoa, mua quà tặng nhau. Những món quà nhỏ thể hiện tình cảm và sự quan tâm của mình đối với người yêu, giúp chúng tôi hiểu và gắn bó với nhau hơn”, anh Nguyễn Tiến Minh nói.

Một số bạn trẻ có xu hướng thể hiện tình cảm với người thương của mình bằng cách chuẩn bị những món quà đặc biệt, độc đáo để tặng cho người mình yêu. Bạn Nguyễn Thu Thảo, một sinh viên đại học cho biết, ngoài mua sôcôla, Thảo còn tự tay làm một tấm thiệp rất dễ thương hình trái tim để tặng cho người yêu. Các bạn bè của cô, người thì tự vẽ tranh tặng người yêu, người lại mua đồ đôi như cốc đôi, quần áo đôi… rất dễ thương để tặng cho nửa kia của mình.

Tuy không nhiều chiêu trò như các bạn trẻ, nhưng nhiều cặp đôi có tuổi cũng có rất nhiều cách thể hiện tình cảm ngọt ngào trong ngày Valentine.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, anh lập gia đình hơn chục năm nay và năm nào anh cũng mua hoa, mua quà tặng vợ vào ngày Lễ tình yêu. Anh Hùng chia sẻ, những món quà anh tặng vợ trong ngày Lễ Tình yêu thay lời cảm ơn người vợ đã gắn bó, đồng cam cộng khổ với anh hơn chục năm nay.

Chị Phạm Thu Huyền, vợ anh Hùng vui vẻ cho biết, ngoài mua hoa, mua quà, tặng chị trong ngày Valentine, anh Hùng còn tự xuống bếp nấu bữa cơm để cả nhà cùng quây quần vui vẻ đầm ấm, có năm anh còn tặng chị một chuyến du lịch ý nghĩa…

“Từ khi lập gia đình, công việc cơ quan bận rộn cùng với việc chăm sóc con cái vất vả khiến tôi có lúc quên đi những khoảng không gian cho riêng mình, những món quà ngày Valentine của chồng khiến tôi rất vui và cảm thấy được chia sẻ, được yêu thương”, chị Huyền bày tỏ.

Hầu hết mọi người khi được hỏi đều cho rằng, mặc dù tình yêu không chỉ lãng mạn vào một ngày trong năm, tuy nhiên, việc nhận được hoa và quà từ nửa kia của mình trong ngày Valentine khiến họ cảm thấy vui hơn và gắn bó hơn với tình yêu của mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hưởng ứng hay hào hứng với ngày Lễ Tình yêu này, thậm chí một bộ phận người dân có phần “bài xích” ngày Lễ Tình yêu nói riêng, những lễ hội du nhập nói chung với quan niệm đó là ngày lễ và văn hóa phương Tây, không phải văn hóa Việt. Mặc dù vậy, những lễ hội du nhập vẫn đang được nhiều người hưởng ứng và ngày càng có xu hướng lan rộng.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài như Valentine (Lễ tình yêu), Noel (Lễ giáng sinh), Halloween (Lễ hội hóa trang)… các lễ hội du nhập đã được coi như một phần đời sống tinh thần của một bộ phận người Việt, thể hiện sự hội nhập mang tính tự nhiên và thú vị. Những lễ hội này đang ngày càng lan rộng và thu hút được một bộ phận đông đảo người dân hưởng ứng, đặc biệt là giới trẻ và ở các thành phố lớn, góp phần làm phong phú và tạo thêm nét đẹp cho đời sống văn hóa người Việt.

Ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội học cho rằng, các lễ hội sau khi du nhập vào Việt Nam một thời gian đã kết hợp với tính bản địa, tạo nên những nét độc đáo cũng như xu hướng riêng có gắn với yếu tố văn hóa Việt. Ví như, trước đây, quà cho ngày Valentine thường là hoa hồng và sôcôla theo văn hóa phương Tây, nhưng dần dần về sau này, nhiều người lựa chọn tặng cho nửa kia của mình những món quà thiết thực như trang sức, mỹ phẩm, quần áo, một chuyến du lịch,... Có không ít bạn trẻ đã lựa chọn ngày Valentine để tỏ tình với người mình yêu, có bạn lại lấy ngày này để cầu hôn bạn gái… Vì vậy, với nhiều cặp đôi, ngày Valentine thực sự có ý nghĩa bởi đó là ngày khởi đầu cho những mối tình đẹp.

Theo của các nhà nghiên cứu văn hóa, trong xu thế hội nhập với thế giới, việc du nhập văn hóa và lễ hội từ quốc tế là điều tất yếu và không thể tránh khỏi. Chúng ta cần có những thông tin đầy đủ để người dân hiểu bản chất, ý nghĩa của từng lễ hội, từ đó người dân sẽ có sự chọn lọc cũng như những hành xử đúng đắn, tạo sự gắn bó, tránh hiện tượng tiêu cực, những biến tướng có thể xảy ra trong lễ hội, để các lễ hội du nhập trở thành nét đẹp văn hóa mới trong đời sống người Việt.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.