Theo Science Alert, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời - Sirius (sao Thiên Lang) sẽ sớm bị soán ngôi khi vệ tinh nhân tạo Mayak được phóng lên vũ trụ vào giữa năm nay.
Mayak được thiết kế để quay quanh quỹ đạo đối diện Mặt Trời và phản chiếu ánh sáng thông qua cánh buồm khổng lồ, khiến nó trở nên sáng hơn mọi ngôi sao khác trên bầu trời đêm.
Không giống như các vệ tinh nhân tạo khác từng được phóng lên trước đó. Dự án này xuất phát từ một startup gây quỹ của nhóm kỹ sư trẻ thuộc Đại học Kỹ sư Cơ khí Moscow (MAMI) nhằm tạo ra một ngôi sao có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Ngoài ra nó sẽ không thực hiện bất kỳ chức năng nghiên cứu hay khảo sát về vũ trụ.
Nếu mọi chuyện thuận lợi, Mayak sẽ trở thành vật thể sáng nhất có thể nhìn bằng mắt thường vào ban đêm, tất nhiên chỉ sau vệ tinh của Trái đất là Mặt trăng.
"Chúng tôi nghĩ rằng khám phá vũ trụ là một điều hết sức thú vị. Việc phóng một vệ tinh vào quỹ đạo để biến nó thành ngôi sao sáng nhất trên bầu trời có thể giúp cho những người yêu thích khoa học quan sát được từ mọi điểm trên Trái Đất", Alexander Shaenko, người đứng đầu dự án, chia sẻ.
Vệ tinh Mayak chỉ lớn bằng một ổ bánh mì, nhưng sẽ trải rộng cánh buồm hình tam giác diện tích 16 m2. Theo dự kiến, nó sẽ hoạt động ở độ cao khoảng 600 km so với mực nước biển.
Phần cánh buồm được làm từ một loại vật liệu polymer mỏng. Các kỹ sư đang chế tạo hệ thống phanh cho vệ tinh nhằm giúp nó hạ xuống quỹ đạo thấp hơn mà không cần sử dụng động cơ và tránh va chạm với rác vũ trụ.
Hiện tại, cơ quan Không gian vũ trụ Nga (Roscosmos) đã đồng ý đưa Mayak lên quỹ đạo bằng tên lửa Soyuz-2 vào tháng 7 năm nay.
Nhóm kỹ sư của dự án cần hoàn tất mọi thử nghiệm trước ngày phóng và xây dựng mô hình vệ tinh để trưng bày tại Bảo tàng Du hành vũ trụ Moscow.
J.K