Ngàn năm làng gốm Bồ Bát

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đồ gốm xuất hiện ở Ninh Bình từ khoảng 8.000 - 9.000 năm trước, được xem là sớm nhất trong khu vực và trên thế giới. Nhận thức sâu sắc về giá trị các di sản, những năm qua, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác nghiên cứu, khảo cổ học; đồng thời có những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nghề gốm.
Ngàn năm làng gốm Bồ Bát

Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi có người tiền sử sinh sống trong các hang động thuộc sơn khối đá vôi với nhiều sáng tạo vật chất. Đặc biệt, họ đã phát minh ra đồ gốm đất nung.

Các hiện vật cổ được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Mán Bạc (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) đã cho thấy một nền văn hóa rực rỡ, trở thành một bộ phận quan trọng của đỉnh cao gốm tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam.

Chuyển sang thời kỳ sau, đặc biệt là giai đoạn đầu của thời kỳ nhà Đinh, Tiền Lê, nghề gốm Bồ Bát phát triển nhanh chóng. Để phục vụ cho quá trình xây dựng kinh đô Hoa Lư, nhiều loại hình vật liệu kiến trúc đặc trưng bằng gốm đã được sản xuất.

Tiêu biểu như gạch "Quốc quân thành chuyên", gạch vuông lát nền in hình phượng đôi, hoa sen và các loại đầu ngói ống trang trí hoa sen... Sau này, những nghệ nhân giỏi đã theo triều đình nhà Lý ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới. Giáo sư Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển khẳng định, gốm Ninh Bình là một trong những đồ gốm có niên đại thuộc loại sớm nhất trong khu vực và trên thế giới.

Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Ninh Bình luôn đóng vai trò như một trung tâm gốm Việt Nam. "Gốm Ninh Bình có sự phát triển tiếp nối liên tục, có những nét chia sẻ chung với đồ gốm ở các khu vực khác nhau ở Đông Nam Á nhưng cũng có những nét độc đáo riêng có chỉ có ở Ninh Bình. Đây là vốn văn hóa rất lớn mà Ninh Bình cần phát triển thành sản phẩm đặc biệt của công nghiệp văn hóa phục vụ cho phát triển bền vững của Ninh Bình hiện nay cũng như của cả nước".

Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát (nay là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã nổi danh cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các thợ tài hoa của làng sáng tạo ra như: gạch đất nung "Đại Việt quốc quân thành chuyên" - loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng... (thời Lý - Trần).

Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, các nghệ nhân tại làng nghề Bồ Bát đã theo về đất Thăng Long xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay.

Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình về đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống. Dần dần, những người ở lại chủ yếu cấy lúa, làm ruộng để sinh sống và lãng quên nghề từng hưng thịnh một thời.

Khôi phục và phát triển nghề gốm

Sau gần nghìn năm thất truyền, với tâm huyết của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, nghề gốm Ninh Bình đã được khôi phục. Nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và xúc tiến quảng bá, gốm Bồ Bát đã lấy lại vị thế.

Hiện nay, gốm Bồ Bát nổi tiếng bởi những sản phẩm tinh xảo và đã được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia, trở thành bước đệm khẳng định thương hiệu trên thị trường đồ gốm truyền thống, được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Nhờ đó, thị trường ngày càng được mở rộng, sản phẩm mang lại giá trị xứng đáng với công sức và trí tuệ của người thợ.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát (huyện Yên Mô) mỗi năm, doanh thu từ gốm mang lại ước đạt 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 27 công nhân với mức lương ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Nghệ nhân Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát đánh giá, với quyết tâm khai thác hơn nữa giá trị của làng nghề gốm Bồ Bát truyền thống gắn với phát triển du lịch một cách bền vững, Ninh Bình đã dành nhiều sự quan tâm, các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển làng nghề.

Trong đó, tập trung xây dựng đề án khôi phục, phát huy giá trị di sản Mán Bạc, gốm cổ Bồ Bát, cũng như quy hoạch không gian cho khu vực bảo tồn các di tích lịch sử. Nghệ nhân Phạm Văn Vang mong muốn, thời gian tới, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa đến việc phát triển nghề gốm để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, giúp khách hàng đến với gốm Bồ Bát ngày càng nhiều, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghề này.

Phát huy giá trị nghề gốm ở Ninh Bình không chỉ bảo tồn những di sản quý báu của cha ông mà còn khai thác phục vụ phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao giá trị làng nghề truyền thống của địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ giao Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu xây dựng khu Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc, Đền thờ tổ nghề gốm tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô trở thành điểm đến du lịch.

Đồng thời, địa phương tiếp tục có những chính sách quan tâm, phát triển nghề gốm Bồ Bát, tạo ra sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa Ninh Bình; hướng tới xây dựng Bảo tàng gốm Bồ Bát, tạo thành quần thể văn hóa di sản vừa bảo tồn nghề gốm cổ vừa phục vụ phát triển du lịch bền vững, gia tăng giá trị cho nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.