Ngành Du lịch và Bưu điện 'bắt tay' quảng bá, thu hút khách du lịch

(Ngày Nay) - Sáng 4/8 tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian tới. 
Lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam tại lễ ký kết. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam tại lễ ký kết. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Việc hợp tác này góp phần khai thác tối đa thế mạnh, huy động tổng hợp nguồn lực để mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động của bưu điện Việt Nam, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến du khách trong nước, quốc tế thông qua hệ thống bưu điện.

Tổng cục Du lịch và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ phối hợp trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam ở trong nước và quốc tế, qua mạng lưới, hệ thống bưu cục và các sản phẩm/dịch vụ như tem, bưu thiếp, phong bì, lịch... Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ hỗ trợ Tổng cục Du lịch trong hoạt động nghiên cứu thị trường du lịch, phản ánh chất lượng dịch vụ du lịch qua hệ thống bưu cục, điểm giao dịch bưu điện trên toàn quốc. 

Bưu điện Việt Nam sẽ cung cấp các dịch vụ bưu chính, tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho Tổng cục Du lịch, hệ thống các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, các doanh nghiệp du lịch… Tổng cục Du lịch ưu tiên sử dụng, khuyến cáo các đơn vị trực thuộc, các đơn vị du lịch địa phương, doanh nghiệp du lịch, khách sạn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của bưu điện Việt Nam. Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để khai thác thế mạnh của mạng lưới bưu chính trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch tới du khách…

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Việc ký kết giữa 2 đơn vị chỉ là bước đầu của quá trình hợp tác lâu dài, điều quan trọng là phải có hành động cụ thể, thiết thực để triển khai thỏa thuận này trong đời sống, đạt được hiệu quả rõ ràng.

Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch triển khai ngay thỏa thuận này sau lễ ký kết bằng việc đặt hàng 1.000 sản phẩm tem để làm quà tặng lưu niệm cho du khách. Sau đó, hai bên tiến hành lựa chọn 1.000-1.500 điểm đắc địa trong hệ thống hơn 10.000 bưu cục trên toàn quốc để đưa thông tin quảng bá du lịch miễn phí đến với du khách trong nước và quốc tế.  Tổng cục Du lịch cũng sẽ khuyến khích các công ty lữ hành quốc tế đưa một số điểm bưu cục có lợi thế về cảnh quan, kiến trúc… thu hút khách vào danh mục điểm đến tham quan trong các tour du lịch để quảng bá.

Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng hoan nghênh chương trình hợp tác của Tổng cục Du lịch và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Đại diện lãnh đạo 2 Bộ đều mong muốn 2 đơn vị sẽ hoàn thành tốt chương trình phối hợp, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước...

Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, dần chuyển dịch cơ cấu theo hướng chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh và bền vững với mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2016, du lịch Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015 và tăng gấp 2 lần so với năm 2010, tổng thu từ khách du lịch đạt 417 ngàn tỷ đồng.

Trong 7 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 7,25 triệu lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 307.000 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả tăng trưởng đáng khích lệ đó có sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch...

Theo TTXVN
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).