Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Trên 2.600 đại biểu gồm lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy và các cán bộ ngành Nội chính Đảng dự tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố.
Năm 2020, ngành Nội chính Đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Đảng triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn, từng bước hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Toàn ngành đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, là “đầu mối”, “khâu nối” giúp Ban Chỉ đạo điều hòa, phối hợp, huy động lực lượng trong phòng, chống tham nhũng và phát hiện, xử lý tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo xử lý 128 vụ án, 91 vụ việc, trong đó 74 vụ án/667 bị cáo đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Năm 2020 đã phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý 65 vụ án, 24 vụ việc, trong đó đã xét xử sơ thẩm 20 vụ án/115 bị cáo.
Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã chú trọng tham mưu cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thi đua “Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi tham nhũng vặt”. Từ đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, được chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm, khắc phục dần tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Trong nhiệm kỳ XII, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cấp ủy địa phương chỉ đạo xử lý 1.819 vụ việc, vụ án.
Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp, đạt kết quả tích cực. Ngành Nội chính Đảng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, góp phần tích cực, hiệu quả vào công tác giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chất lượng thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, văn bản về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ngày càng được nâng lên…
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà toàn ngành Nội chính Đảng đã đạt được thời gian qua. Những thành tựu mà Đảng ta, đất nước ta đạt được có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan Đảng trong đó có ngành Nội chính Đảng.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chỉ rõ, năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm mở đầu cho một thập kỷ mới, năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tiếp tục thi hành nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp về đẩy mạnh việc phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tình hình tội phạm trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn ra tinh vi, phức tạp, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, ngành Nội chính Đảng cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Toàn ngành tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời khắc phục những bất cập, những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý tài sản bất minh của cán bộ, công chức, viên chức...
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: “phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, ngành Nội chính Đảng phải tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, để công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục là dấu ấn nổi bật và có bước đột phá mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trước mắt, toàn ngành tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.
Bên cạnh công tác tham mưu, toàn ngành phải phát huy vai trò của cơ quan giúp Đảng lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, chủ động tăng cường hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng về lĩnh vực này được thể chế hóa đúng đắn, đầy đủ, kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Ngành Nội chính Đảng cũng chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, không để phát sinh điểm nóng, bị động, bất ngờ...
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, điều quan trọng phải chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng. Theo đó, cán bộ, công chức trong ngành phải có năng lực, trình độ, nắm vững các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh, dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai và đặc biệt, phải thật sự liêm chính. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân; luôn phải đấu tranh với chính mình trước những cám dỗ, tác động tiêu cực. Do đó, mỗi cán bộ phải luôn nêu cao ý thức tự giác, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, gương mẫu, công tâm, khách quan thực sự là những "Bao Công" trong thời đại mới.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng đồng chí Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.