1. Hủ tiếu cá
Hủ tiếu cá là món ăn nổi tiếng của người Hoa. Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương làm sạch và lóc thịt, thái lát, ướp chút muối, hạt nêm. Nước lèo được nấu từ xương lợn nên có vị ngọt đậm đà, nước lèo cũng sẽ trong hơn. Gia vị nêm nước lèo ngoài những loại phổ biến còn có một gia vị đặc biệt là tăng xại (hay còn gọi là cải nặm). Hủ tiếu cá được ăn kèm với xà lách, giá, ớt, chanh và không thể thiếu nước tương (xì dầu).
2. Mì vịt tiềm
Món ăn này của người Hoa không chỉ giữ nguyên bản với nơi xuất xứ, mà được chế biến cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Nước dùng ngọt mà không béo, thịt vịt giòn, mềm mà không tanh. Ngoài ra, món ăn còn hấp dẫn với những sợi mì tươi được làm từ trứng, màu vàng rất bắt mắt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được sợi mì mềm, dai rất ngon miệng, bên cạnh đó là những cọng cải ngọt giòn giòn.
3. Hủ tiếu sa tế
Đây là món ăn của người Tiều ở khu vực quận 5, 6, 11. Cái tạo nên hương vị cho món ăn chính là nước dùng khi nó được pha chế từ gần 20 loại hương liệu và gia vị. Một bát hủ tiếu đầy đủ ngoài nước dùng, bánh hủ tiếu, thịt bò hay bò viên... thì còn có các loại rau ăn kèm như dưa leo thái sợi, giá, khế chua, húng quế, ngò gai... vừa tăng thêm hương vị vừa tạo thành một gia vị rất riêng cho món ăn rất đặc trưng này.
4. Cháo Tiều
Cháo Tiều gần giống với món cháo lòng của người Việt với các thành phần như: tim, gan, phèo, cật... ngoài ra còn có thêm nấm rơm, mực tươi và đặc biệt là cho rất nhiều hành lá, gừng thái sợi nên đây là món ăn thích hợp trong ngày se lạnh hoặc với những người bị bệnh cảm.
5. Bánh mì phá lấu
Với những người sành ăn vặt ở Sài Gòn, không ai có thể bỏ qua món phá lấu lòng bò, một món ăn bình dân nhưng có sức quyến rũ khó cưỡng. Món ăn được làm bằng bao tử và ruột non, phổi, gan, tim... với cách chế biến rất giản dị là tẩm ướp gia vị mà trong đó ngũ vị hương là chính, sau đó được chiên vàng và luộc lại cho mềm. Nước cốt dừa là nguyên liệu chính của nước phá lấu, làm nên vị ngọt và béo cho nồi nước hầm. Bí quyết của một nồi phá lấu ngon là ở khâu canh lửa và đổ thêm nước cho ruột non có độ mềm vừa ăn. Khi nào thấy nước dùng vừa sắc lại và hơi sệt là có thể dùng được. Khi ăn phá lấu, thực khách có thể ăn kèm thêm bánh mì.
6. Sủi cảo
Sủi cảo được chế biến gần giống với hoành thánh nhưng lớn hơn và nhiều nhân hơn. Nhân thường được làm từ tôm, thịt lợn, các loại rau... băm nhuyễn với nhau và trộn gia vị cho vừa ăn. Nhân sau khi chuẩn bị xong được cho vào một lát bánh mỏng, làm bằng vỏ bột mì dùng để gói hoành thánh, gói lại theo hình bán nguyệt và đem luộc. Sủi cảo có thể chế biến theo nhiều cách như ăn nước, hấp hay chiên. Món ăn của người Hoa thường nhiều dầu mỡ nên người ta thường cho nhiều cải ngọt để bớt ngấy khi ăn.
7. Xôi cadé
Một món ăn bình dân nhưng không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực người Hoa là xôi cadé. Món ăn pha trộn giữa xôi, lòng đỏ trứng gà cùng hương sầu riêng thoang thoảng rất hấp dẫn người ăn. Thành phần chính là cadé, được pha trộn giữa các nguyên liệu như trứng, đường, nước cốt dừa, sầu riêng theo một công thức rất riêng để cho ra một hỗn hợp hơi sánh, có màu vàng cùng hương thơm thoang thoảng rất quyến rũ. Ngoài cadé còn có dừa nạo, đậu phụng giã nhuyễn là bạn đã có một gói xôi hấp dẫn, thơm ngon để thưởng thức.
8. Quy phục linh
Quy phục linh hay còn gọi là cao quy linh là một món ăn đặc sắc của người Hoa vùng Quảng Châu. Người ta thường chia làm hai thành phần cơ bản gồm: thổ phục linh, bột mai rùa ba vạch, cam thảo và các loại thảo dược khác như: vỏ quế, trần bì, vỏ cây liên kiều, khổ qua khô, cam thảo, bạch truật, lương phấn thảo, bồ công anh, sinh địa, xuyên liên, hoàng cầm, cúc vàng và trắng… Khi ăn hòa quy phục linh với chút mật ong, bạn sẽ cảm nhận được vị thanh mát của các loại hương liệu, vị ngọt thơm của mật ong quyện với nhau, tan chảy trong miệng rất ngon.
Ngoài những món ăn kể trên, ẩm thực người Hoa ở Sài Gòn còn rất nhiều món ngon miệng khác như: cơm chiên Dương Châu, vịt quay Bắc Kinh; hủ tiếu Hồ; há cảo; mì chỉ cá, chè hột gà trà...