Đây là đề xuất của nhiều đại biểu tại tọa đàm: “Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật” do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức sáng 17/4 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên nêu rõ: Sách pháp luật là công cụ quan trọng, là phương tiện để thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa tri thức pháp lý đến người dân. Điều 11 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng xác định: Sách và tài liệu pháp luật là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả.
Hiện nay, sách pháp luật rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đa dạng hình thức tiếp cận thông tin pháp luật thì văn hóa đọc nói chung, văn hóa đọc sách pháp luật nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, tình hình quản lý, khai thác sách pháp luật ở thiết chế văn hóa thông tin cơ sở gặp nhiều khó khăn. Số lượng người tìm đọc sách pháp luật chưa nhiều…
Tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá thực trạng văn hóa đọc sách pháp luật trong đó đánh giá kết quả đạt được, nhận diện các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò văn hóa đọc sách pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2024).
Theo một khảo sát gần đây, trung bình một người Việt Nam đọc 4 cuốn sách/năm; trong đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. Trong khi đó, ở một số nước như: Nhật Bản, bình quân mỗi năm một người dân đọc hơn 10 cuốn sách; tại Bỉ, con số này là 50 cuốn sách mỗi năm… Điều này cho thấy, hoặc là những giá trị, tầm quan trọng của sách chưa được nhận thức đầy đủ hoặc việc tiếp cận sách chưa thuận lợi hoặc là chất lượng nội dung các cuốn sách chưa đủ thu hút, chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Điều này cũng không là ngoại lệ đối với văn hóa đọc sách pháp luật.
Ông Trần Văn Tuỳ, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho rằng, để phát huy vị trí, vai trò của sách pháp luật trong thời gian tới cần ban hành thể chế, chính sách để khuyến khích văn hóa đọc và các thiết chế hiệu quả phục vụ văn hóa đọc.
Việc biên soạn sách pháp luật cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể đối với từng loại sách khác nhau về nội dung, bố cục, hình thức và giá của sách. Chẳng hạn, đối với sách pháp luật phổ thông, nội dung phải gồm các vấn đề pháp lý thường gặp trong đời sống hàng ngày, được nhiều người quan tâm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ pháp lý của công dân. Hình thức sách cần trình bày bắt mắt, khổ sách và độ dày vừa phải, gọn gàng, dễ mang theo, thuận tiện cho người sử dụng.
Ngoài ra, việc đọc sách pháp luật và tiếp thu các kiến thức pháp lý không nên chỉ ở các ấn phẩm sách pháp luật giấy mà cần đa dạng hóa hình thức sách như: Sách nói, sách định dạng số…
Từ hiệu quả thiết thực với mô hình “Quán cà phê pháp luật” tại Hậu Giang, ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang đề xuất cần nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật này, đồng thời đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng./.