Nguồn gốc của ngày vía Thần Tài
Tục thờ Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc. Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải. Có rất nhiều sự tích kể về Thần Tài nhưng biết đến nhiều nhất là câu chuyện kể về Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương. Sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo – Nạp Trân – Chiêu Tài – Lợi Thị. Vì thế mà ông được cho giữ chức vụ cai quản tiền bạc, của cải. Trong dân gian, mọi người thường thờ cúng Thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn sẽ đến với họ.
Ngoài ra, còn một câu chuyện khác về ngày Thần Tài: Một lần do uống rượu quá say, vị Thần Tài lỡ chân ngã xuống trần gian và bị mất trí nhớ, quên mất mình là ai. Sống lang thang và không biết làm việc gì, ông đi ăn xin để sống qua ngày.
Gặp một vị chủ quán tốt bụng, ông được mời vào và ăn một bữa thịnh soạn. Quán đang rất vắng khách nhưng khi ông lão ăn xin bước vào thì bỗng dưng khách ra vào tấp nập, để ý thấy điều này ông chủ quán giữ ông lão ở lại để việc làm ăn buôn bán được thuận lợi.
Sau một thời gian ông lão ăn xin bắt đầu nhớ lại được mọi chuyện và trở về trời. Ngày ông bay về trời là ngày mùng 10, vì thế mà dân gian đã xem ngày 10 hằng tháng là ngày Thần Tài. Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày vía Thần Tài đầu tiên của năm.
Ngày vía Thần Tài vô cùng quan trọng với giới doanh nhân, thương nhân. Đây không chỉ là ngày cảm ơn Thần Tài đã phù hộ cả 1 năm qua mà còn là ngày mong đổi vía, lấy vía của Thần Tài để phù hộ cho gia chủ 1 năm làm ăn sung túc.
Đầu năm, hầu hết các gia đình người Việt đều có lễ đón Thần Tài theo phong tục dân gian cho rằng đầu năm cần chào đón Thần Tài từ thiên đình về hạ giới.
Người dân thường đi mua vàng trong ngày "vía Thần Tài" mùng 10 tháng Giêng, mong được may mắn tài lộc trong năm mới. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm của người Việt Nam.
Thị trường vàng sôi động
Ngay từ thời điểm sau nghỉ Tết, giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh. Mở cửa ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết) giá vàng miếng SJC neo gần 79 triệu đồng/lượng. Sau đó, tới 16/2, giá vàng giảm mạnh từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/lượng so với trước khi nghỉ Tết, mua vào 75,2 - 75,4 triệu đồng/lượng, bán ra 77,5 - 77,7 triệu đồng/lượng. Đến ngày 17/2, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng mạnh lên mức 78,5 triệu đồng/lượng bán ra, mua vào là 76,1 triệu đồng/lượng.
Hôm qua, ngày 18/2, vàng miếng SJC niêm yết giữ ở mức cao trên 78,6 triệu đồng/lượng sát ngày vía Thần Tài. Đây cũng là dịp Thần Tài mà giá vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn ở mức cao nhất trong lịch sử. Chênh lệch giá mua - bán ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 64,9 triệu đồng/lượng và 66 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 350.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Sang đến ngày 19/2 (tức mùng 10 tháng Giêng Tết Giáp Thìn), giá vàng trong nước tiếp tục biến động mạnh.
Giá vàng miếng SJC tiếp tục niêm yết ở mức cao trên 78,60 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, đáng chú ý, chênh lệch giữa giá mua và bán vọt lên 2,5 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/2 (tức mùng 9 tháng Giêng Âm lịch), cận ngày vía Thần Tài, giá vàng miếng SJC giao dịch tại Công ty VBĐQ Sài Gòn ở mức 75,80 - 78,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC chốt phiên tại 75,85 - 78,05 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn, giá vàng trang sức ghi nhận tăng cao và liên tục thiết lập kỷ lục mới, cao hơn thế giới tới 6 triệu đồng mỗi lượng. Song, với tâm lý “mua vàng lấy may”, không khí mua sắm tấp nập tại nhiều cơ sơ kinh doanh vàng.
Tại Bảo Tín Minh Châu chốt phiên 18/2 giao dịch ở mức 64,78 - 65,88 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 64,2 - 65,65 triệu đồng/lượng.
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, năm 2024, kênh đầu tư vàng có thể sẽ vẫn được nhà đầu tư quan tâm. Khi nền kinh tế ổn định, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hồi phục, giá vàng có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Ngược lại, nếu chỉ số kinh tế còn nhiều khó khăn, các kênh đầu tư khác trì trệ, giá vàng sẽ có thể gia tăng do tâm lý của người dân hướng tới tích trữ, dự phòng bằng vàng.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với người dân, mua một chút vàng trong ngày Thần tài đầu năm mới hoàn toàn phù hợp, không nên tính đến lời lỗ. Tuy nhiên nếu coi vàng là công cụ đầu tư thì nên có góc nhìn thận trọng. Thời điểm tháng 1 tháng 2, trong thời điểm ngày thần tài nếu mua có thể sẽ nắm chắc phần lỗ. Thông thường sau ngày lễ, giá vàng có xu hướng giảm xuống.