1 - Vương Duy Biên là nghệ sĩ nhân dân chuyên ngành nghệ thuật múa rối.
Rồi ông lên làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Rồi Thứ trưởng Bộ VHTTDL, tên tuổi ông xuất hiện với tần suất dày đặc hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng với đủ các sự kiện và sự cố lớn của ngành biểu diễn, trình chiếu nước nhà. Thời nhập nhoạng giữa bao cấp và thả nổi, giữa xã hội hoá và nhà nước chi, giữa quản và cấm, NSND ngành rối Vương Duy Biên kiêm nhà quản lý Vương Duy Biên bị mắc trong cái lưới lùng nhùng ấy và bị “chết danh”: “không quản được thì cấm”.
Khổ thân ông Biên, thực chất, các văn bản cấm (từ bài hát trước 1975 đến mỗi bộ phim mới làm), đều xuất phát từ những điều luật được ban hành từ rất lâu và do những Hội đồng chuyên môn có sự tham dự của quá nhiều yếu nhân ngoài ngành tham dự. Là Thứ trưởng giúp việc Bộ trưởng, ông chỉ có thể ký. Suốt 30 năm làm nghệ sĩ Rối, môi trường của ông từ thuỷ đình chùa Thầy đến cung điện Versaile an lành và thuần khiết hơn nhiều.
Nghệ sĩ Vương Duy Biên bên tác phẩm mới |
2- Sự nghiệp của hầu hết những người làm công sở chắc chắn chấm hết khi nhận cuốn sổ hưu, và tuổi sau hoàng hôn thường chỉ còn là những chiều tàn nhập nhoạng đợi đêm buông xuống. Mọi ánh hồi quang chỉ là những tiếng thở dài tiếc nuối...
Bởi thế, thành ngữ hiện đại mới có những tổ hợp ngôn ngữ kiểu: “gắt như tâm thư của cụ hưu trí” hay “gay cấn như họp tổ hưu” - bất lực và buồn tẻ và cũ kỹ - đó là đời sống tinh thần của những người bị “shock hưu”.
“Từ 2003, khi đã dành dụm được một mớ tiền từ bán tranh và đi lưu diễn, tôi đã nhìn trúng cái mảnh đất ở rìa làng này. Hồi đấy nó rẻ, vì sát cánh đồng, lại bị cái lô cốt án ngữ ngay ở giữa. Nhưng tôi thích. Mà tôi thích thì chắc chắn nó phải có cái gì thật độc đáo chứ”. Và thế là 10 năm sau ông có nhà, và 15 năm sau, khi chính thức về hưu, ông có “Không gian Vương Duy Biên” của mình, ở một làng ngoại ô, với cái tên vừa nôm na vừa nhà binh: Bốt Tép.
Nghệ sĩ Vương Duy Biên bên tác phẩm mới |
Ở đó, ông có rối, có tranh, có tượng, có rạp vừa chiếu phim vừa diễn rối bóng rối cạn rối dây rối que.... và có một cái lô cốt cũ từ thời Pháp để ông rủ bạn chui xuống uống rượu , cái lô cốt mà dân làng quen gọi là Bốt Tép.
3- Một không gian đẹp và một tiểu sử đầy đặn không phải là những nhân tố đảm bảo cho các sáng tác trở thành các tác phẩm nghệ thuật thực sự. Nó chỉ là tác nhân ban đầu.
Không gian Vương Duy Biên có những tác phẩm thực sự khiến người ta vỡ oà - nếu trước đó chỉ nhìn ông như một nghệ sĩ tạo hình rối dễ thương và một ông thứ trưởng hay lúng túng.
Tranh của Vương Duy Biên, dù sơn mài hay lụa - những chất liệu cực kỳ truyền thống - đều gây cảm giác mạnh về sự hiện đại.
Đứng trước một series “Cấy” , “chăn trâu”- sơn mài hay “Làm đồng”, “Quan họ”- lụa, sự lặp lại của mô tuýp không hề gây nên sự nhàm chán mà nó tạo ấn tượng về sự vững chãi của tay nghề, sự tự tin trong phong cách và tình cảm trìu mến,thân thuộc với đối tượng được miêu tả. Trong tương quan đó, sự lặp lại trùng điệp tạo nên nhịp điệu mạnh , còn bố cục bất đối xứng - điều tối kỵ với hội hoạ truyền thống- tạo nên chất “tây” cho những nón lá quần thâm, đon mạ.
Tác phẩm nghệ thuật của Vương Duy Biên |
4 - Nếu tranh Vương Duy Biên đằm và duyên, dễ cảm, dễ decor nên nhiều khách thích, thì điêu khắc của ông là dấu chấm than đậm đà như một cái kết có hậu. Có hậu và đầy bất ngờ.
Một sự ngỡ ngàng đến choáng váng khi nhìn thấy những “Nhanh lên các con!” “Xong chưa con?”, “Ăn xong chưa con?”, “Không biết mình đang đi đâu nhỉ” “Hình như đã tới đáy”... chất liệu đồng vốn chỉ quen thuộc với khán giả VN qua các chân dung danh nhân, các tượng đài và các sản phẩm lưu niệm mang tính biểu tượng, trong không gian Vương Duy Biên đột nhiên mang tính ngụ ngôn và được thể hiện bằng một ngôn ngữ dí dỏm, vừa hài hước vừa hoài nghi. Người ta thấy những bức tượng đồng mềm đi, nhíu mày, nhăn trán, hoang mang hay cười như mếu, tự nhiên và dang dở như trong một phòng tranh biếm hoạ.
Đúng là có khá nhiều tác phẩm điêu khắc của Vương Duy Biên gợi cho người ta liên tưởng đến các bức biếm hoạ chính trị của danh hoạ Kuang Biao (Trung quốc) về chủ đề và đường nét: một người đàn ông mặc vest leo lên chiếc thang vô định (Không biết mình đang đi đâu nhỉ); Một người tí hon khách ngồi cheo leo trên chiếc ghế khổng lồ, dưới chân anh ta cũng là chiếc thang (Mãn nguyện); Những người đàn ông đứng quanh chiếc chum hì hục kéo mãi kéo mãi những sợi dây dài bất tận (Chum kinh nghiệm) ...
Nhưng, không khí và hiệu ứng thì có khác. Ở Kuang Biao là một lời cảnh tỉnh, một tiếng thét, một sự lên án gay gắt, môt cái cười sắc lẻm... còn ở không gian Bốt Tép, bên cạnh các con rối và những bức tranh lụa, những tác phẩm điêu khắc của Vương Duy Biên dù đầy tính giễu nhại, vẫn dí dủm như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, một tiếng thở dài thấu đáo bất lực nhưng vẫn còn chút hy vọng.
Có lẽ vì thế mà có khá nhiều chính trị gia (xin được giấu tên) âm thầm đặt những quần thể điêu khắc bé nhỏ của Vương Duy Biên, cho mình.
Nụ cười dí dủm và thấu đáo của một ông quan vừa vừa nay đã hồi hưu có nhắc nhở được gì cho những người tại vị?
Không ai biết chắc điều đó.
Chỉ biết, với rối, và tranh, và điêu khắc, và những nụ cười thấu đáo nhẹ nhõm kia, ông nghệ sĩ nhân dân ngành múa rối kiêm hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia Vương Duy Biên kia, đang có một tuổi hưu rực rỡ.