31 tuổi đã 14 lần vô địch đơn nữ
Là con nhà “nòi” hiếm có, với ông trẻ Mai Văn Hòa từng giành HCĐ thế giới và HCV châu Á, Mai Hoàng Mỹ Trang biết chơi bóng bàn từ khi mới 6 tuổi với những tố chất đặc biệt. Trong một môi trường lý tưởng ngay từ gia đình, nơi ông bố Mai Văn Quang là một “chủ lò” bóng bàn, Trang đã sớm hình thành cho mình một lối chơi toàn diện, hiện đại cùng một phong cách chuyên nghiệp vượt xa mặt bằng chung.
Tay vợt sinh năm 1988 đã “độc chiếm” chức vô địch đơn nữ của bóng bàn Việt Nam tới 14 lần, trong đó có 12 lần liên tiếp. Đây là một kỷ lục vô song không chỉ ở môn này mà của cả làng thể thao Việt.
Mới 11 tuổi, Trang đã đoạt ngôi Á quân giải vô địch TPHCM khi chỉ thua đàn chị hàng đầu Nguyễn Mai Thy hơn mình đúng 10 tuổi. Đến năm 15 tuổi, Trang đã hoàn toàn vô đối ở trung tâm số 1 Việt Nam, nổi bật với những cú giật cả phải và trái làm bó tay mọi đối thủ. Chỉ sau đó 1 năm, qua thời gian được ăn tập tại Trung Quốc trong chương trình đào tạo “Thế hệ Vàng”, Trang đã lần đầu bước lên ngôi cao nhất tại giải VĐQG 2004 gắn với 2 kỷ lục: Quán quân trẻ nhất lịch sử và tay vợt nữ duy nhất toàn thắng 10 trận.
Sau kỳ tích tuổi 16, ngay ở giải VĐQG kế tiếp vào 2005, Trang đã phải nếm trải thất bại đầu tiên, trước Ngô Thu Thủy – một tên tuổi lẫy lừng ở vòng bán kết với tỷ số 1-4. Trang thua không phải do trình độ mà bởi quá non kinh nghiệm. Rất đặc biệt vì ở giải này, chính người chị họ Mai Xuân Hằng đã đánh bại Thu Thủy trong trận chung kết để “đòi nợ” cho Trang.
Tuy nhiên, cũng kể từ thất bại ấy, Mỹ Trang đã vươn tới một đẳng cấp hoàn toàn vượt trội ở làng bóng bàn nữ. Trong suốt 12 mùa giải từ 2006-2017, tay vợt họ Mai đã luôn đăng quang thuyết phục, với các trận thắng “dễ như ăn kẹo”, trước mọi đối thủ. Từ Trần Lê Phương Linh, Bùi Thị Tám, Vũ Thị Hà cho tới Nguyễn Việt Linh, Nguyễn Thị Nga, chưa ai có thể gây khó dễ cho một Mỹ Trang quá vượt trội.
Mãi tới giải 2018, Trang mới lại phải nếm trải một lần thua nữa khi để mất ngôi vô địch vào tay tài năng trẻ đang lên Nguyễn Thị Nga. Và đến giải 2019 vừa kết thúc, khi đối thủ duy nhất Nguyễn Thị Nga vắng mặt vì chấn thương, Trang đã lại lập tức tái chiếm ngôi đầu với một hành trình lên ngôi nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi. Thậm chí, trong trận chung kết, cựu binh này chưa cần bung hết sức vẫn có chiến thắng 4-0 theo kiểu “đàn áp” trước nhân tố mới Trần Mai Ngọc kém mình 14 tuổi. Tính ra, tay vợt sinh năm 1988 đã “độc chiếm” chức vô địch đơn nữ của bóng bàn Việt Nam tới 14 lần, trong đó có 12 lần liên tiếp. Đây là một kỷ lục vô song không chỉ ở môn này mà của cả làng thể thao Việt.
“Tượng đài” ở Việt Nam, “tí hon” tại SEA Games
Từ lâu Mai Hoàng Mỹ Trang đã trở thành một tượng đài sừng sững của bóng bàn Việt Nam. Và đáng nói hơn, ở tuổi 31, vị thế một “độc cô cầu bại” của Trang vẫn chưa có dấu hiệu gì bị đe dọa. Xét trong tương quan lực lượng, Trang còn dư sức để vô địch thêm vài lần nữa. Kỷ lục gia đất Sài thành đã là một mẫu hình đặc biệt về niềm đam mê, sự bền bỉ, tính chuyên nghiệp.
Tại SEA Games 28, Mỹ Trang đã để vuột mất cơ hội có thể nói là một đi không trở lại để có thể lần đầu lọt vào chung kết đơn nữ khi để thua tức tưởi trước tay vợt người Thái Suthasini ở bán kết. Trang đã dẫn trước tới 3-0, nhưng lại để đối thủ làm nên cuộc lội ngược dòng khó tin, giành chiến thắng chung cuộc 4-3. Trước đó, cũng phải nhờ các hảo thủ của Singapore bất ngờ liên tiếp thất bại nên Trang mới có mặt ở bán kết.
Dù vậy, thật đáng buồn, chỉ cần bước ra quốc tế, kỷ lục gia quốc nội này lại là một tay vợt hoàn toàn vô danh. Trang chưa từng giành suất dự tranh Olympic hay đạt thành tích cao ở ASIAD. Ngay sân chơi khu vực SEA Games, đẳng cấp của Trang hãy còn thua xa các đối thủ hàng đầu. Qua nhiều kỳ Đại hội liên tiếp tay trắng, phải đến SEA Games 28, chị mới giành được 1 tấm HCĐ đơn nữ khá may mắn.
Mỹ Trang đã không vượt qua được giới hạn, hay nói cách khác là nạn nhân của một nền bóng bàn tụt hậu. Việc không hề có đối thủ cạnh tranh xứng tầm trong suốt một thời gian quá dài đã làm hại Trang.
Và quan trọng hơn, chính cách thức tập huấn, đào tạo lạc hậu đã khiến Trang lãng phí tài năng của mình.
Bản thân Mỹ Trang coi như phải yên phận với tình cảnh buồn kéo dài bởi giai đoạn có thể tăng tốc phát triển đã trôi qua. Còn bóng bàn nữ Việt Nam rõ ràng cũng đáng buồn lo khi một tay vợt cao nhất cũng chỉ giành HCĐ SEA Games cứ thắng và thắng dễ hết giải này tới giải khác.
Giới chuyên môn cùng người hâm mộ ngã mũ trước kỳ tích vô tiền khoáng hậu của Trang, song cũng phải thở dài ngao ngán cho bóng bàn nữ Việt Nam.