Những bệnh nhân này không có biểu hiện co giật như thuốc diệt chuột trước đây mà thường bị chảy máu, dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý chảy máu khác như: sỏi thận, xuất huyết tiêu hóa...
Bệnh nhân N.H.T (nam giới, 39 tuổi, trú tại Hà Nội) uống 4 viên thuốc diệt chuột Storm màu xanh giống viên kẹo và nhập viện trong tình trạng nôn khan, vẫn tỉnh táo, không co giật. Được biết, bệnh nhân này có tiền sử rối loạn tâm thần. Bác sĩ Phạm Thị Lan Hương cho biết, bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột loại kháng vitamin K, chưa có tình trạng rối loạn đông máu.
Bệnh nhân thứ 2 (59 tuổi, trú tại Hưng Yên) uống nhầm 6 gói thuốc diệt chuột vì nhầm tưởng đó là gói bột ngũ cốc. Bệnh nhân được xác định uống thuốc diệt chuột loại kháng vitamin K tác dụng kéo dài, đã điều trị tại tuyến dưới 3 ngày trong tình trạng rất nặng, rối loạn đông máu và tiếp tục được sử dụng thuốc giải độc.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. |
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết: "Hầu hết thuốc diệt chuột cũ được nhập lậu từ Trung Quốc sẽ gây co giật, hôn mê, loạn nhịp tim. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung tâm Chống độc tiếp nhận khá nhiều trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới".
Theo TS Nguyên, loại thuốc này gây chảy máu do kháng vitamin K và diễn biến âm thầm trong 3 ngày đầu, không có biểu hiện ra bên ngoài. Sau thời gian này, bệnh nhân sẽ xuất hiện dấu hiệu chảy máu ở răng, mũi, da và hệ tiêu hóa...
Đặc biệt, một số bệnh nhân chỉ chảy máu nặng sau khi gặp chấn thương, va chạm mạnh hoặc làm các thủ thuật y tế tác động qua da như tiêm, chọc, tán sỏi... Nhiều trường hợp không khai báo từng uống thuốc diệt chuột còn khiến bác sĩ nhầm lẫn với bệnh lý khác.
Ngoài ra, nhiều trường hợp sử dụng thuốc diệt chuột không an toàn hoặc lạm dụng dẫn đến tình trạng lẫn vào thức ăn, nước uống, thậm chí ngấm qua da. Lượng thuốc này được tích lũy và gây ngộ độc chậm cũng khiến người bệnh nhân và bác sĩ dễ nhầm lẫn hoặc bỏ qua.
Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết các loại thuốc diệt chuột thế hệ mới rất phong phú và đa dạng về hình thức, chủng loại cũng như màu sắc.
"Nhiều loại thuốc diệt chuột có hình viên kẹo màu xanh, hồng, đỏ, trắng hay dạng dung dịch như siro, bột... Người dân có thể dễ dàng mua các loại thuốc này ở bất cứ đâu", tiến sĩ Trung Nguyên nhận định.
Thuốc diệt chuột thế hệ mới rất đa dạng về hình thù và màu sáng cùng độc tính cao hơn. |
Ông khẳng định tất cả loại hóa chất thế hệ mới có độc tính rất cao. Các chất này khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa và thải trừ rất chậm. Trong 72 giờ đầu tiên, bệnh nhân có thể không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, các bác sĩ cần âm thầm theo dõi xét nghiệm đông máu để xác định.
Hậu quả và độc tính của thuốc diệt chuột có thể kéo dài nhiều tháng hoặc vài năm. Do đó, bệnh nhân sau khi được cấp cứu phải duy trì đơn thuốc và tái khám nhiều lần.
"Khi phát hiện có người uống hóa chất diệt chuột, người dân cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để cấp cứu, tốt nhất nên đến cơ sở y tế sớm trước 6 giờ, lúc đó các bác sĩ có thể dùng các biện pháp thải độc như rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để đào thải bớt thuốc ra ngoài.
Kể cả khi ra viện, bệnh nhân vẫn cần tuân thủ y lệnh thuốc và tái khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Vì thuốc diệt chuột có tác dụng rất dài, không phải khi bệnh nhân ra viện mà xem như đã hết tác dụng của thuốc. Nếu có các dấu hiệu như chảy máu chân răng, chảy máu dưới da, đi ngoài ra máu… cần vào viện ngay", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.