Bé được địu ở nhà, không may mảnh ngói rơi vào đầu, gia đình đưa vào Trung tâm y tế huyện Ba Chẽ cấp cứu trong tình trạng quấy khóc nhiều, không nôn, phần đầu bên trái bị lún móp bất thường. Nhận định đây là trường hợp chấn thương sọ não nguy hiểm ở trẻ mới 3 tháng tuổi nên bệnh nhi lập tức được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu.
Qua kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bé N. bị chấn thương sọ não do lún xương sọ vùng thái dương đỉnh phải kích thước khoảng 2x3cm. Các bác sĩ nhanh chóng họp hội chẩn liên khoa Thần kinh cột sống, Nhi, Gây mê hồi sức đánh giá tình trạng, quyết định gây mê nội khí quản và phẫu thuật nâng xương lún cho bệnh nhi.
Kíp mổ do các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình phối hợp cùng khoa Gây mê hồi sức tiến hành bóc tách tổ chức dưới da bộc lộ vùng lún, nâng khối lún trở lại vị trí ban đầu, dẫn lưu ngoài màng cứng và đóng vết mổ. Ca mổ diễn ra thuận lợi thành công sau khoảng 1 tiếng phẫu thuật. Bệnh nhi được rút ống dẫn lưu sau 3 tiếng, chơi ngoan, bú tốt chỉ sau 2 ngày điều trị.
BSCKI Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Cháu bé bị chấn thương sọ não khi mới 3 tháng tuổi, cơ thể và não bộ vô cùng yếu ớt nên từ khâu gây mê hồi sức cho đến quá trình thực hiện phẫu thuật chúng tôi đều phải rất cẩn trọng bởi chỉ cần một tác động nhỏ vào các khu vực não bộ quan trọng (vùng ngôn ngữ, vận động) thì hậu quả sẽ khôn lường. Bệnh nhi được phẫu thuật nâng lún sọ não kịp thời sẽ hạn chế các nguy cơ biến chứng về sau.
Do vậy, các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu tâm trong việc trông con để đảm bảo an toàn cho trẻ. Nếu không may tai nạn xảy ra, gia đình cần theo dõi sát tình trạng ý thức của trẻ và các biểu hiện bất thường (đau đầu, nôn, liệt…) song không nên chủ quan kể cả khi trẻ chưa có triệu chứng cụ thể. Nếu nghi ngờ chấn thương sọ não cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.