Theo bảng đo của Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình ở Hà Nội lúc 9h sáng nay (29/12) nhiều nơi ở ngưỡng đỏ. Điển hình là các khu vực: Phạm Văn Đồng (160), Hàng Đậu (157), Hoàn Kiếm (157), Minh Khai – Bắc Từ Liêm (157)…
Trang Airvisual cũng xếp Hà Nội thứ 15 trong tổng số 10.000 thành phố trên thế giới, với AQI là 162, nồng độ bụi mịn PM2.5 = 76.8 µg/m³ . Đơn vị đo tính theo Mỹ.
Bảng đo của Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ngưỡng đỏ. |
Trong khi đó, ứng dụng chất lượng không khí PAMAir đo được tại khu vực: Trung Văn, Trung Hòa và Học viện Tài chính AQI cũng dao động trong khoảng 151 – 160 (ngưỡng đỏ). Đây là ngưỡng cảnh báo sức khỏe bắt đầu bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm: trẻ em, người già, người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính nên hạn chế ra ngoài.
Theo các chuyên gia, sau nhiều ngày mưa, chất lượng không khí Hà Nội có dấu hiệu quay trở lại tình trạng ô nhiễm. Ngoài các nguồn thải tại chỗ và khí thải của các phương tiện giao thông hay máy móc ở công trường xây dựng, thì thời tiết cũng là nguyên nhân khiến cho không khí Hà Nội bị ô nhiễm.
Cụ thể, thời tiết thủ đô đang ở thời điểm giao mùa, thời ngày nắng, đêm lạnh, hanh khô nên dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là nguyên nhân khiến khói bụi bị giữ lại ở bầu khí quyển, không thể phát tán và bay đi.
Từ cuối tháng 9/2019 đến đầu và giữa tháng 12/2019 vừa qua, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc liên tiếp trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thậm chí, có thời điểm Hà Nội đứng đầu về ô nhiễm không khí trên toàn thế giới với mức AQI lên tới hơn 300 (ngưỡng nâu). Đây là ngưỡng nguy hại, cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe đối với mọi người.