Theo thông tin từ VTC News, Bệnh nhân là ông N.M.P (sinh năm 1964, ở Hà Nội). Ông P. có tiền sử mắc tiểu đường nhiều năm, mắc viêm gan B và ung thư gan được điều trị bằng thuốc tiêm insulin. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, bệnh nhân bỏ điều trị chuyển sang uống thuốc nam với liều lượng 4 viên/ngày.
Viên thuốc có dạng hình cầu màu vàng nâu, đường kính khoảng một cm. Nhãn gói thuốc ghi do "Lương y Thích Thiện Tín" bào chế, không rõ thành phần, không rõ hàm lượng, không rõ nơi sản xuất và không có chứng nhận cấp phép. Quảng cáo trên bao bì cho biết thuốc có công dụng điều trị tiểu đường và suy thận.
Uống thuốc nam được vài ngày đầu, do chỉ số đường huyết có giảm nên người đàn ông tiếp tục uống. Một thời gian sau, người này bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi, ăn kém. Anh được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ý thức chậm, huyết áp tụt, thở nhanh sâu, đau bụng, các chỉ số xét nghiệm đều xấu, nhiễm toan chuyển hóa (nhiễm acid trong máu) và toan lactic rất nặng, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim.
Người bệnh phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, lọc máu liên tục để đào thải chất độc trong cơ thể. Tình trạng nhiễm toan và suy đa tạng cải thiện trong quá trình lọc máu. Sau hai ngày, bệnh nhân được bỏ máy thở, rút ống nội khí quản, cắt thuốc vận mạch, dừng lọc máu. Hiện, người bệnh tỉnh táo, tự ăn bằng đường miệng, hết suy đa tạng.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn - Ảnh: BVCC |
Trao đổi với An ninh Thủ đô, bác sĩ Lương Tuấn Kiên, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, khi kiểm tra loại thuốc mà ông P. sử dụng (do gia đình bệnh nhân cung cấp), phát hiện sản phẩm này không ghi chú rõ thành phần, hàm lượng, nơi sản xuất và cũng không có chứng nhận cấp phép.
Các bác sĩ đã gửi mẫu thuốc nam này đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với chất Phenformin. Đây là chất được dùng để điều trị đái tháo đường tại Mỹ từ những năm 1950. Tuy nhiên, từ năm 1973, nó đã bị cấm sản xuất và lưu hành do gây ra nhiều ca tử vong liên quan đến nhiễm axit lactic.
Tại Việt Nam, chất này cũng đã bị cấm lưu hành từ lâu, song đáng chú ý là hàng năm vẫn ghi nhận các trường hợp nhập viện do ngộ độc Phenformin khi uống thuốc nam.
Bác sĩ Kiên cho biết thêm, tình trạng toan chuyển hóa do Phenformin của ông P. rất nặng nhưng may mắn là được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời và đáp ứng tốt với điều trị. Hiện bệnh nhân đã cai được máy thở, rút ống nội khí quản, cắt thuốc vận mạch, dừng lọc máu, hết suy đa tạng, tiên lượng có thể xuất viện trong vài ngày tới.