Tết Nguyên Tiêu diễn ra vào ngày 15-16 tháng giêng Âm lịch hàng năm là dịp để người dân và du khách được trải nghiệm nét đẹp văn hóa độc đáo của Hội An. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, từng bước phát triển loại hình du lịch tâm linh, tạo nên sức hấp dẫn của di sản thế giới Hội An.
Sáng 20/2, hàng nghìn người dân từ khắp mọi nơi đổ về TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tham dự lễ vía Quan Thánh Đế Quân tổ chức tại chùa Ông (hay còn gọi là Quan Công miếu) - ngôi chùa được người Việt xây dựng từ năm 1653, thờ vị tướng tài ba thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (Quan Vũ) với 2 ngựa Bạch Mã, Xích Thố.
Tờ mờ sáng, rất đông người dân địa phương và các tỉnh lân cận đã có mặt gần khu vực chùa Ông. Người dân bắt đầu tập trung xếp thành hai hàng dài trên tuyến đường Nguyễn Huệ dẫn vào chùa từ lúc 0h. Đến 8h, số người đến dự lễ vía đã lên tới hàng nghìn và ở các cung đường trong phố cổ vẫn tấp nập dòng người nối gót nhau đổ về chùa.
Số lượng người viếng các điểm chùa, hội quán ở phố cổ năm nay đông hơn so với mọi năm nhưng tuyệt nhiên không xảy ra tình cảnh chen lấn, xô đẩy. Người viếng chùa rất ý thức, tất cả xếp hàng ngay ngắn.
Ngoài hoa quả, trái cây dâng lễ, nhiều người cũng chuẩn bị sẵn bánh mỳ, cơm hộp, đồ uống trong lúc xếp hàng đợi tới lượt mình vào dâng hương, cầu an, cầu lộc, không hề diễn ra cảnh chen lấn, xô đẩy nhau gây hỗn loạn, mất trật tự.
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân và du khách, năm nay, TP. Hội An cũng tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc vào dịp tết Nguyên Tiêu như: Đêm phố cổ, đêm thơ Nguyên Tiêu, các trò chơi dân gian trẻ em, hô hát Bài chòi, Gấp giấy Origami, gấp lá dừa, trình diễn và dịch vụ Trà đạo Nhật Bản, dịch vụ xe cổ và mặc trang phục Việt Nam - Nhật Bản.
Đồng thời, các hoạt động tín ngưỡng, tế thần linh, lễ tống Long Chu, sinh hoạt cộng đồng diễn ra tại Chùa Ông, Chùa Cầu, đình Cẩm Phô, đình Sơn Phong và Minh Hương Tụy Tiên Đường,… vào ngày 16 tháng Giêng Âm Lịch thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham gia, dâng hương và khấn nguyện.
Ảnh: VTC, Khánh Chi