Người kết nối tỷ phú công nghệ Jensen Huang tới Việt Nam: "Nhiệm vụ của chúng tôi mới chỉ bắt đầu”!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sự kiện tỷ phú công nghệ Jensen Huang, CEO NVIDIA, công bố sẽ đầu tư để thành lập một thực thể NVIDIA tại Việt Nam được nhận định có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, là cú hích giúp ngành công nghệ Việt Nam có cơ hội bắt kịp và thậm chí là đón đầu xu hướng phát triển công nghệ của thế giới.
Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn (đứng giữa) cùng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và CEO NVIDIA Jensen Huang.
Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn (đứng giữa) cùng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và CEO NVIDIA Jensen Huang.

Thông tin về chuyến thăm Việt Nam của CEO NVIDIA dày đặc trên truyền thông trong nước và thế giới, thế nhưng ít người biết rằng, để có chuyến thăm ba ngày này tại Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) đã mất tới hơn ba tháng nỗ lực kết nối và chuẩn bị.

Những “ông bà mối” thầm lặng

Tháng 9/2023, trong chuyến thăm, làm việc một số tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon (California, Mỹ) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian trao đổi với tỷ phú công nghệ Jensen Huang, người đồng sáng lập và hiện là Chủ tịch của NVIDIA, về xu hướng phát triển AI toàn cầu và tiềm năng hợp tác rất rộng mở giữa NVIDIA với Việt Nam.

Bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của NVIDIA, Thủ tướng đã gửi lời mời Chủ tịch NVIDIA đến thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, với mong muốn NVIDIA sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các Bộ tham gia đoàn công tác và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đồng hành, hỗ trợ, cùng đại diện của các doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam trao đổi cụ thể lại với NVIDIA để có các kế hoạch triển khai các chương trình, dự án.

Sau ba tháng nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 10/12/2023, Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang cùng các cộng sự cấp cao đã có mặt tại Việt Nam. Không chỉ dành cho Việt Nam thời gian dài nhất trong chuyến thăm và làm việc tại bốn nước Đông Á (Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Việt Nam), ông Jensen Huang còn gây bất ngờ cho cả làng công nghệ thế giới khi chính thức tuyên bố đầu tư thành lập một thực thể NVIDIA, có thể dưới dạng Công ty NVIDIA Việt Nam, kỳ vọng Việt Nam có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á.

Tuyên bố của ông Jensen Huang ngay lập tức gây chấn động giới công nghệ thông tin Việt Nam, khu vực cũng như nhiều nước trên thế giới bởi nếu như Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này, điều đó có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế. Giới phân tích nhận định, đó sẽ là cú hích giúp ngành công nghệ Việt Nam có cơ hội bắt kịp và thậm chí là đón đầu xu hướng phát triển công nghệ của thế giới.

Là người có nhiều đóng góp trong việc kết nối đưa chủ tịch NVIDIA Jensen Huang về Việt Nam, Tổng lãnh sự (TLS) Hoàng Anh Tuấn không giấu được niềm vui và tự hào trước cơ hội Việt Nam có tên trong bản đồ công nghệ thế giới trong những năm tới, ông chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với tôi, một ngày đặc biệt đối với Việt Nam. Sau hơn ba tháng làm việc cật lực, giờ đây tôi và các công sự, đối tác đã thở phào nhẹ nhõm. Xin cảm ơn tất cả mọi người đã đồng hành, hỗ trợ cùng Tổng lãnh sự quán và cá nhân tôi”.

TLS Hoàng Anh Tuấn cho biết bản thân ông cũng hết sức bất ngờ, dù đã được thông báo trước về kế hoạch của NVIDIA với Việt Nam. Ông chia sẻ: “Chuyến đi thăm và làm việc đầu tiên đến Việt Nam của Chủ tịch NVIDIA đã thành công hết sức tốt đẹp, nhưng chúng tôi không coi đây là nhiệm vụ đã hoàn thành (Mission Apccomplished!) mà là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới (Mission has just started)”.

“Nhiệm vụ của chúng tôi mới chỉ bắt đầu”!

TLS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ hết sức thực tế và thực lòng bởi trước đó, gặp ông tại San Francisco ngay trước chuyến công tác đặc biệt tới Việt Nam của chủ tịch NVIDIA Jensen Huang, ông cũng luôn trăn trở, nung nấu tham vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước lên tầm cao mới.

Nhận nhiệm vụ tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco cuối năm 2022, đầu 2023, TLS Hoàng Anh Tuấn cùng cán bộ, nhân viên Tổng lãnh sự quán bắt tay ngay vào các kế hoạch “thực chiến” để cùng với doanh nghiệp Việt Nam khám phá, thâm nhập vào thị trường hàng đầu thế giới, hiện thực hóa giấc mơ vươn ra biển lớn của DN Việt.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco rất tích cực phối hợp với chính quyền các bang, các tổ chức, DN triển khai nhiều hoạt động hiệu quả. “Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, tôi đã xác định một trong những trọng tâm trong công tác sẽ là tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các bang trong khu vực phụ trách, tìm kiếm, khai phá thêm nhiều lĩnh vực hợp tác mới. Trong thời gian khoảng nửa năm từ khi đặt chân đến San Francisco, tôi đã thu xếp, bố trí thời gian để thăm và làm việc với chính quyền của Bang California, Oregon, Utah. Ấn tượng chung là các bạn rất coi trọng, quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam”, TLS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Người kết nối tỷ phú công nghệ Jensen Huang tới Việt Nam: "Nhiệm vụ của chúng tôi mới chỉ bắt đầu”! ảnh 1

Đoàn công tác của Tạp chí Ngày Nay tặng tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Thể tới Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn.

Ông cũng cho biết thêm, sự kiện Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã tạo ra tác động lớn trong hoạt động ngoại giao giữa hai bên.

“Tổng lãnh sự quán coi việc hỗ trợ DN, hỗ trợ các địa phương trong các hoạt động kết nối, thúc đẩy thương mại, xúc tiến đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ, từ Mỹ sang Việt Nam, ngoại giao phục vụ kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Năm qua, chúng tôi đã kết nối được rất nhiều địa phương, các đoàn DN sang làm việc với đối tác Mỹ, trung bình mỗi tuần có 1-2 đoàn DN sang đây làm việc, và ngược lại, ngày càng nhiều các DN Mỹ sang Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội đầu tư, làm ăn. Gần đây nhất sự hiện diện rất đông đảo của các DN làm về CNTT, bán dẫn, AI, CNTT ở Thung lũng Silicon, vùng Vịnh phía Bắc California…về Việt Nam rất đông. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ, chúng tôi đã kết nối, hỗ trợ DN sang, họ thấy sự hỗ trợ của mình hiệu quả, họ tìm được đối tác hiệu quả.

Mới đây Việt Nam có đoàn của 16 DN lớn, các Tập đoàn lớn của nhà nước như VNA, MobiFone, VietinBank…sang kết nối đầu tư. Chúng tôi đã hỗ trợ đoàn từ quá trình xin visa tới các hoạt động kết nối, tìm hiểu thị trường, gặp gỡ các đối tác phù hợp tại Mỹ”, TLS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ và nhấn mạnh: “Đây chỉ là bước đầu, khi có nhiều DN đưa DN vào kết nối làm ăn với nhau, Tổng lãnh sự quán như 'bà mối' kết nối các bên tiếp xúc gặp gỡ. Khi có nhiều đoàn sang đoàn về cho thấy công việc chúng tôi hỗ trợ DN đi đúng hướng, có kết quả nhất định thì DN mới tìm đến nhờ kết nối, hỗ trợ. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tăng cường hỗ trợ để có nhiều kết quả hơn. Còn rất nhiều hoạt động khác nữa mà Tổng lãnh sự quán đang, đã và sẽ tiếp tục làm để làm tốt nhiệm vụ ngoại giao phục vụ kinh tế”.

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội rộng mở?

Theo TLS Hoàng Anh Tuấn, cơ hội của Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong thời gian tới là rất lớn. Chỉ riêng bang Califonia 40 triệu người, sức mua lớn, người Việt đông, chưa kể 11 bang miền Tây đều là các bang giàu có, tiềm năng. Các DN Việt Nam đã có rất nhiều kênh, nhiều đường đi để tìm đối tác tại Mỹ, song để hoạt động hiệu quả hơn, để Tổng lãnh sự quán có thể hỗ trợ hiệu quả hơn, TLS Hoàng Anh Tuấn lưu ý: Khi DN mới xâm nhập thị trường Mỹ, chưa có quan hệ sẵn có thì nên tìm hiểu thị trường thông qua hiệp hội, đối tác. “Trước khi tôi sang, Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân) đã có diễn đàn trên 100 DN tham gia, họ cũng đặt hàng cụ thể với tôi là khi sang họ yêu cầu Tổng lãnh sự quán hỗ trợ, tôi nghĩ rằng DN khi xâm nhập thị trường cần tích cực tìm hiểu thì giao lưu với các Hiệp hội, các DN khác đã tham gia, hiểu biết thị trường trước khi sang, tiếp theo nên gửi cho Tổng lãnh sự quán nhiều thông tin, các thế mạnh, đầu tư, yêu cầu cụ thể với Tổng lãnh sự quán là gì. Theo kinh nghiệm của tôi những năm qua, khi DN họ gửi thì sẽ hiệu quả hơn là cứ thế đi. Khi gửi trước Tổng lãnh sự quán sẽ biết trước nhu cầu để thu xếp các cuộc kết nối đúng mục tiêu, hiệu quả thực tế”.

TLS Hoàng Anh Tuấn lấy ví dụ hoạt động quảng bá du lịch của Sở Du lịch TP.HCM, họ có yêu cầu, các mong muốn được hỗ trợ, Tổng lãnh sự quán nhìn vào kế hoạch của họ, góp ý, chỉnh sửa, bổ sung, phối hợp chặt chẽ với nhau và kết quả Hội chợ quảng bá du lịch rất thành công, đánh giá là hiệu quả nhất trong các Hội chợ TP HCM từng làm. Sau sự kiện này, một số địa phương khác như Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng liên hệ và mong muốn làm Hội chợ như TP.HCM. “Nhưng chúng tôi cũng nói với các địa phương, với các đoàn đi sau, phải rút kinh nghiệm các đoàn đi trước để phải làm tốt hơn sự kiện trước, làm sao để mỗi diễn đàn, mỗi sự kiện, Tổng lãnh sự quán sẽ hỗ trợ được các DN, các địa phương, các công ty tốt hơn, hiệu quả thiết thực hơn”.

TLS Hoàng Anh Tuấn cũng nhận định: Hợp tác giữa Việt Nam và các địa phương của Mỹ có tiềm năng rất lớn, và đây là một phần quan trọng của quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Mỗi bang ở Mỹ có thể coi là một nền kinh tế phát triển, trong đó nhiều bang có quy mô kinh tế hàng đầu trên thế giới. Tăng cường hợp tác kinh tế với các bang của Mỹ có thể tạo cơ hội cho Việt Nam thiết lập những khung khổ hợp tác mới, từ đó tạo nền tảng để doanh nghiệp hai bên trao đổi các cơ hội hợp tác kinh doanh. Ví dụ, các bang ở Bờ Tây có hệ thống các trường đại học chất lượng cao, đẳng cấp thế giới, có thể hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hợp tác với các bang trong lĩnh vực năng lượng và môi trường có thể giúp Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới, hỗ trợ trong việc phát triển năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hợp tác với các bang Bờ Tây, trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp CNTT, AI và các dịch vụ truyền thông hiện đại.

Người kết nối tỷ phú công nghệ Jensen Huang tới Việt Nam: "Nhiệm vụ của chúng tôi mới chỉ bắt đầu”! ảnh 2

TLS Hoàng Anh Tuấn ghé thăm Tập đoàn Microsoft.

Ở chiều ngược lại, để thu hút đầu tư của Mỹ về Việt Nam, theo TLS Hoàng Anh Tuấn cần tiếp cận theo hướng: Thúc đẩy kết nối hợp tác đầu tư những dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao, góp phần tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng sản xuất chip bán dẫn toàn cầu; chú trọng thu hút các dự án đầu tư của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các dự án chuyển đổi số;

Tập trung tiếp cận, vận động, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các định chế tài chính, các quỹ đầu tư của Mỹ để giới thiệu, xúc tiến đầu tư vào các dự án quốc gia Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài, các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam; tạo kết nối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia để triển khai hợp tác; Kết nối, vận động một số tập đoàn xuyên quốc gia xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp công nghệ cao, các chuyên gia công nghệ của Mỹ về nước hợp tác đầu tư, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, qua đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế số.

“Tôi nghĩ đối với các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam mình vẫn nên duy trì. Cách tiếp cận của chúng tôi những gì làm tốt rồi thì cố gắng, lĩnh vực mới thì cần tìm hướng đi mới tốt nhất. Ví dụ, những lĩnh vực có thế mạnh như xuất khẩu quần áo, giày dép, hàng chế biến nông sản, thực phẩm, các đồ nội thất, hàng hóa thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử, chất bán dẫn, thị trường đó làm tốt rồi cần duy trì và mở ra các lĩnh vực mới có thể tranh thủ như tìm đối tác trong thời gian tới, hàng đầu là chất bán dẫn, tiếp theo là các sản phẩm hỗ trợ cho nền tảng công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, các mảng công nghệ dịch vụ, xây dựng hạ tầng thông tin để giúp cho quá trình chuyển đổi số, rất nhiều các mảng hậu cần mà hai bên có thể hợp tác”, TLS Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

Người kết nối tỷ phú công nghệ Jensen Huang tới Việt Nam: "Nhiệm vụ của chúng tôi mới chỉ bắt đầu”! ảnh 3

TLS Hoàng Anh Tuấn nhận định hợp tác giữa Việt Nam và các địa phương của Mỹ có tiềm năng rất lớn, và đây là một phần quan trọng của quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, TLS Hoàng Anh Tuấn cùng cán bộ, nhân viên Tổng lãnh sự còn chú trọng hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Mỹ, hướng mục tiêu các nhóm cộng đồng đối thoại với nhau, bớt xung đột, đoàn kết, phát huy nội lực, hướng tới mục đích phục vụ cho Tổ quốc Việt Nam. Đặc biệt là các hoạt động góp phần duy trì bản sắc dân tộc thông qua giao hữu về văn hóa, thông qua hỗ trợ các hoạt động cộng đồng như Xuân quê hương, Tết Tây và Tết Ta (Tết Nguyên đán) để quy tụ bà con.

“Năm ngoái chúng tôi đã tổ chức thành công sự kiện tết Vệt Nam ở California, có sáu clip được lan tỏa trên mạng xã hội, mỗi clip có tới vài triệu lượt người xem, bà con thấy sự hiện diện của Tổng lãnh sự quán tại đây, nhận được thông điệp chân thành của TSL sẽ thấy yên tâm đồng hành hướng về quê hương đất nước”, TLS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.
Kiến tạo tương lai cùng AI
Kiến tạo tương lai cùng AI
(Ngày Nay) - Việc công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên được sử dụng để xử lý các câu hỏi trong chương trình “Giao lưu trực tuyến” với người dân vào ngày 19/12 tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chứng minh rằng khai thác tiềm năng và sức mạnh của AI trong mọi lĩnh vực đang trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới.