Trong khuôn khổ Lễ hội âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh HOZO 2023, ngày 22/12, Trung tâm Ca nhạc nhẹ, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Pencil Group tổ chức Hội thảo "Ngành công nghiệp âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp vào tiếp thị thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu Việt". Tại đây, các đại biểu cho rằng, để ngành công nghiệp âm nhạc phát triển cần sự đồng hành, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực xã hội.
Chia sẻ về tổng quan sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên truyền thông cao cấp, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, dù ngân sách giải trí sau COVID-19 bị cắt giảm đáng kể nhưng ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt.
Trong thời đại bùng nổ của truyền thông giải trí trên nền tảng kỹ thuật số, ngành công nghiệp âm nhạc Việt đang bước vào thời hoàng kim với sự phát triển vượt trội cả về số lượng và chất lượng. Điều này được phản ánh thông qua sự đa dạng về các sản phẩm âm nhạc, các dịch vụ phát sinh, kèm theo các hoạt động của các công ty hỗ trợ sản xuất, phân phối và vận hành âm nhạc kỹ thuật số.
Qua đó, giúp định hình một thế hệ âm nhạc hoàn toàn mới xuất hiện trên các nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam với rất nhiều nghệ sỹ tài năng, sự phong phú trong hình thức trình diễn, cùng với nội dung âm nhạc độc đáo. Số lượng người dùng và doanh thu từ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, đồng hành với sự gia tăng của thị trường toàn cầu.
Nhìn nhận sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam, bà Tôn Nữ Như Ngọc, đại diện Công ty Believe Vietnam cho biết, các công ty âm nhạc toàn cầu đã và đang đánh giá cao sự phát triển đáng kể của ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số tại Việt Nam. Điều này dẫn đến sự trỗi dậy của các công ty nội địa và đóng góp một phần không nhỏ vào thị trường âm nhạc nước nhà. Nhờ tận dụng những công nghệ và quy trình chuẩn, ngành công nghiệp này đã trở nên chuyên nghiệp hơn trong gần như mọi khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối và hợp tác thực hiện các sản phẩm âm nhạc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành công nghiệp âm nhạc của Thành phố đã hình thành từ rất lâu. Địa phương cũng là cái nôi âm nhạc của cả nước với nhiều hoạt động sôi nổi từ sáng tác, biểu diễn, quảng bá, kinh doanh âm nhạc…
Tuy nhiên, để xây dựng một nền công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa cần có một hệ sinh thái hoàn chỉnh; trong đó, bên cạnh vai trò chính của các cơ quan Nhà nước cần sự tham gia, đồng hành của các nguồn lực xã hội khác. Điều này vô cùng quan trọng. Đơn cử như: Lễ hội âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh HOZO là một trong những sự kiện âm nhạc, văn hóa lớn phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí của người dân Thành phố. Qua 3 lần tổ chức, sự kiện đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà sản xuất, doanh nghiệp tài trợ, văn nghệ sỹ, các đơn vị cung ứng dịch vụ khác trong ngành công nghiệp âm nhạc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết thêm, Lễ hội âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh HOZO 2023 được đánh giá là một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất năm 2023 của Thành phố nhằm hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa và kích cầu du lịch. Việc tổ chức sự kiện này nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Đề án "Tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2020 - 2030".